Gần 10 nghìn hộ dân sẽ ra khỏi miệng “hà bá”

Gần 10 nghìn hộ dân sẽ ra khỏi miệng “hà bá”

UBND TP Cần Thơ đề ra lộ trình đến năm 2030 sẽ dẹp bỏ hoàn toàn nhà sàn lấn chiếm sông, kênh, rạch. Di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Chực chờ trước miệng "hà bá"

Tháng 6 và tháng 7, TP Cần Thơ liên tiếp xảy ra các vụ sụt lún, sạt lở ven sông rạch. Nó đã làm hư hại hàng chục ngôi nhà cùng tài sản. Cần Thơ đang trong mùa mưa, cũng là cao điểm của tình hình sạt lở. Nhiều ngôi nhà xây dựng ven sông rạch luôn trong tình trạng chực chờ trước miệng "hà bá".

Cần Thơ có khoảng 48 tuyến sông với chiều dài hơn 579km. Cứ vào mùa mưa, TP lại tái diễn tình trạng ngập, sạt lở bờ sông. Nhiều nhà dân có nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng, ảnh hưởng tính mạng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến giữa tháng 6, đã xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông (tăng 11 điểm, quy mô và mức độ thiệt hại lớn hơn so với cùng kỳ năm 2019) với tổng chiều dài là 1.230m. Sạt lở đã làm 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 68 căn khác sụp một phần và bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 14,4 tỷ đồng.

Điểm nóng sạt lở là đoạn sông Cần Thơ, gần chợ nổi Cái Răng. Địa điểm này gần đây xảy ra 3 vụ sạt lở làm hàng chục nhà dân đổ xuống sông. Thế nhưng, mặc cho tình trạng sạt lở, sụt lún đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường, dọc tuyến sông này vẫn còn rất nhiều hộ dân sống trên miệng "hà bá". Đa phần hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà tạm ven sông để mưu sinh và không có khả năng di dời.

Như hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thêm, phường An Bình, quận Ninh Kiều, trước kia do không có đất nên gia đình phải chấp nhận xây dựng nhà ven sông để có nơi ở. "Nhà gần khu vực sạt lở nên lúc nào cũng lo lắng, lúc ngủ cũng phải canh chừng. Nhất là khi trời có mưa giông, cả nhà rất lo lắng, thậm chí có lúc không dám ở trong nhà. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng đi nơi khác nên đành sống tạm", bà Thêm cho biết.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân sạt lở, sụt lún ven sông rạch ngày càng nghiêm trọng là do người dân xây nhà, lấn, cơi nới ra sông rạch. Mặc dù chính quyền kiểm tra, xử phạt, buộc tháo dỡ nhưng việc lấn chiếm vẫn diễn ra. Đặc biệt, tại các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, người dân bất chấp nguy hiểm xây cất, cơi nới nhà trên sông, kênh, rạch. Đây là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay mà ngành chức năng TP Cần Thơ "đau đầu" trong việc giải quyết.

Gần 10 nghìn hộ dân sẽ ra khỏi miệng “hà bá” ảnh 1
Tập quán nhà ở ven sông rạch nay phải đối mặt với miệng “hà bá”.

Bảo đảm an toàn cho người dân

Nhà ở ven sông rạch là tập tục vùng miền của người dân nơi đây. Đa phần là nhà tiền chế, kết cấu không ổn định, trong khi lại thường xuyên cơi nới. Qua nhiều năm biến động của dòng sông, kênh rạch sức chịu tải của nhà cũng kém dần. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), phù sa từ dòng Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm mạnh. Hoạt động khai thác cát, nước ngầm tràn lan. Các công trình xây dựng hai bên bờ sông ngày càng nhiều. Số lượng phương tiện giao thông thủy gia tăng. Biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy ngày càng phức tạp theo chiều hướng xấu… Tất cả những vấn đề đó đã dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Việc xây dựng, cơi nới, lấn sông rạch diễn ra nhiều năm qua dẫn đến lượng nhà dân rất lớn. Bởi vậy việc di dời, xử lý là bài toán khó cho chính quyền TP Cần Thơ. Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, dù địa phương đã kiên quyết xử lý xây dựng lấn chiếm sông rạch nhưng tình trạng này vẫn còn. Về lâu dài, Sở NN&PTNT có trình HĐND thành phố Đề án bố trí dân cư, trong đó có bố trí cho dân trong vùng sạt lở. Với giải pháp này sẽ từng bước di dời các hộ dân sống ven sông rạch đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Mai Như Toàn, vấn đề nan giải là hầu hết các nhà ở trên sông rạch tồn tại lâu đời nên rất khó di dời. Cần nguồn lực rất lớn để đầu tư tái định cư. "Để di dời, phải có nguồn lực rất lớn để thực hiện việc bố trí tái định cư. Thông thường thì thành phố sẽ lồng ghép ở các chương trình phát triển đô thị. Như hiện nay thành phố đang thực hiện Dự án 3 (Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị) để từng bước thực hiện vấn đề này. Hy vọng, khi dự án này hình thành sẽ tạo mặt nước thông thoáng cũng như giải quyết phần lớn các nhà ở trên sông rạch hiện nay", ông Toàn cho biết.

Về giải pháp lâu dài, UBND TP Cần Thơ cũng đã đề ra lộ trình cụ thể đến năm 2030 sẽ tiến hành dẹp bỏ hoàn toàn nhà sàn lấn chiếm sông, kênh, rạch. Theo kế hoạch, đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Trước đó, Cần Thơ đã đưa ra lộ trình giai đoạn 2018 - 2020, trong đó triển khai xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ sông tại các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền. Chiều dài kè là 21.940m, tổng mức đầu tư 2.441 tỷ đồng. Cần Thơ cũng tiến hành di dời hơn 1.000 hộ dân sống ven sông vào nơi an toàn tránh sạt lở.

Riêng đối với điểm nóng sạt lở khu vực sông Cần Thơ, ngày 18/6, Chủ tịch TP này chỉ đạo các quận Ninh Kiều, Cái Răng và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất vị trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, sớm trình xem xét phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ