Gạch ốp lát cỡ lớn “made in Việt Nam”

GD&TĐ - Bằng công nghệ áp thủy lực, in kỹ thuật số, nung, mài bóng nano… các nhà khoa học sản xuất thành công gạch ốp lát xương bán sứ khổ lớn.

Hoa văn và tạo hình trên sản phẩm.
Hoa văn và tạo hình trên sản phẩm.

“Đổi mới công nghệ sản xuất gạch ốp lát cao cấp khổ lớn (kích thước 800x800mm) đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu” là dự án thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Công ty cổ phần đầu tư phát triển VICENZA (Thanh Hóa) chủ trì.

Ông Lê Văn Cường, thư ký dự án cho biết, đây là dự án sản xuất thử nghiệm, làm chủ công nghệ được thực hiện từ năm 2017. Dây chuyền đi vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 1/2020 và ứng dụng sản xuất trực tiếp từ tháng 9/2020.

Các thiết bị được nhập khẩu từ Italia, Trung Quốc… và được phía nhà cung cấp đào tạo chuyển giao. Ở thời điểm thực hiện dự án, tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào làm chủ được công nghệ sản xuất này. Công nghệ mới đem lại giá trị cao hơn 10 - 15% so với sản phẩm cũ, có thể sản xuất được gạch cỡ lớn lên tới 1.000x1.000mm.

Để sản xuất được gạch ốp lát cỡ lớn, phải có công nghệ ép thủy lực tấm lớn, máy in kỹ thuật số khổ lớn, lò nung sử dụng tấm vách nano khổ rộng, máy mài bóng nano. Đây đều là những thiết bị có giá thành cao, không dễ vận hành, làm chủ công nghệ chuyển giao, đặc biệt trong điều kiện ở Việt Nam. Năm 2017, dự án được khởi động với việc đầu tư một dây chuyền công nghệ hoàn thiện để sản xuất gạch ốp lát tấm lớn tại Việt Nam.

Quy trình sản xuất gồm: Nguyên liệu xương được cân, nạp rồi nghiền, sàng, sấy phun tạo bột, đưa vào lô chứa để ép tạo hình. Sau đó đưa vào sấy 5 tầng, tráng men lót và đưa đi in kỹ thuật số, in bảo vệ rồi tráng men mài, đưa vào lò sấy tiền nung. Sản phẩm được đưa vào lò nung  rồi mài bóng, mài cạnh, phủ nano carbon, phân loại sản phẩm, dán màng và bao gói, nhập kho.

Để phục vụ cho dây chuyền này, máy in kỹ thuật số khổ rộng được đầu tư có khả năng in lên đến khổ 1,0m với tốc độ in 30m/phút ở chế độ in HD. Công nghệ này tạo ra sản phẩm có màu sắc đồng đều, họa tiết hoa văn sắc nét, có thể in được trên các bề mặt lồi lõm khác nhau với độ chính xác là 0,1mm.

Công nghệ nung tấm vách nano cho lò nung khổ rộng cũng giữ vai trò chủ chốt. Trước đó, công nghệ này chỉ nung được sản phẩm kích thước tối đa là 600x600mm. Chuyển đổi sang công nghệ mới này, lò có thể nung được gạch bán sứ kích thước 800x800mm. Xương bán sứ có độ co 10% sau khi nung, gạch ra lò phải có kích thước 820÷830mm để mài nên gạch nạp lò phải có kích thước 900x900mm.

Các tấm vách nano này ở khu vực tiền nung và nung của lò phải chịu được nhiệt độ từ 1.050 đến 1.200 độ C, có khả năng cách nhiệt gấp 3 đến 4 lần so với các tấm cách nhiệt thông thường. Vật liệu này giúp quá trình cách nhiệt tốt hơn, từ đó giảm hao phí thất thoát nhiệt và giảm sự chênh lệch nhiệt độ toàn bộ mặt cắt ngang của lò.

Đến khâu mài bóng gạch, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ mài bóng nano bằng cát hạt silicat có kích thước cỡ Nanomet (10-9m). Các hạt này lấp đầy vào các lỗ liti có trên bề mặt sản phẩm sau khi được mài bóng thông thường. Công nghệ này có ưu điểm độ bóng trên 95%, bảo vệ bề mặt, không thấm nước, chống trầy xước, chống bám bẩn, bền màu cao…

Một trong những sáng tạo của đề tài là hạ được giá thành sản phẩm nhờ sử dụng nguyên liệu khai thác tại chỗ ở khu vực tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, chi phí vận chuyển đất sét, trường thạch, cao lanh… chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nguyên liệu.

Nếu mua tại các tỉnh ngoài như Phú Thọ, Hải Dương… chi phí vận chuyển thường trên 100.000 đồng/tấn. Hiện nay, công ty đã xin cấp phép một số mỏ khai thác ở một số huyện của Thanh Hóa, bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.