Không còn tiếng đánh vần của con trẻ, thế nhưng dưới tán phượng vĩ đỏ rực của những ngày tháng 5 vẫn ghi dấu tình thầy trò đầy thắm thiết. Trường học thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, còn các thầy cô đành gác lại phấn trắng, bảng đen và trang giáo án, bước vào cuộc chiến mang tên Covid-19.
Thần tốc “biến” trường học thành nơi cách ly
Xã Si Pa Phìn được xem là ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Điện Biên cho đến thời điểm hiện tại, với hơn 40 ca, trong tổng số 55 ca dương tính với SARS-CoV-2 của toàn tỉnh. Ngay khi xác định những ca bệnh đầu tiên vào đêm 14/5, một số trường học tại tâm dịch được “nhắm” đến, để “biến” thành nơi cách ly tập trung cho các F1.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Trước áp lực về thời gian và mức độ lây lan của dịch bệnh, không chỉ huyện mà ngành Giáo dục cũng phải quyết liệt, thần tốc vào cuộc. Trước tiên là sẵn sàng, bảo đảm về cơ sở vật chất tại trường học mà huyện lựa chọn làm nơi cách ly, sau là vận động sự vào cuộc của toàn hệ thống giáo dục địa phương, cũng như các địa phương khác chung tay hỗ trợ điều kiện ăn, nghỉ cho đối tượng cách ly.
Còn nhớ cái đêm 16/5, cũng như địa điểm khác được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung, tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT-TH) Phìn Hồ vẫn sáng ánh điện. Cùng với các lực lượng chức năng của huyện, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường (không nằm trong diện phải cách ly) được huy động, rốt ráo, tất bật bắt tay sắp xếp, bố trí nơi ở cho người cách ly.
Không có thời gian giao nhiệm vụ cho từng người, song mỗi người đều tự giác phân việc cho mình. Người vệ sinh, quét dọn phòng, lớp học. Có người lại khuân giường, vác chiếu, chăn, màn… để sẵn sàng đón F1 về nghỉ ngay trong đêm.
Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ cho biết: Mặc dù huy động trong đêm, song cán bộ giáo viên không ai cảm thấy phiền phức, mà tập trung dồn sức hoàn thành nhiệm vụ. Đều là phục vụ đồng nghiệp, học sinh cũng như phụ huynh, đồng bào mình cả.
Cho đến nay, huyện Nậm Pồ đã thành lập 14 khu cách ly tập trung tại các điểm trường, với sức chứa trên 2.000 người. Liên tiếp các trường học: Mầm non, Tiểu học Si Pa Phìn; THCS Tân Phong; Tiểu học, THCS Phìn Hồ và Tiểu học Chà Nưa… đã “thần tốc” được trưng tập, bố trí, sắp xếp và trở thành các địa điểm cách ly đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Giáo viên trở thành “anh nuôi”
Với hơn 100 cán bộ, giáo viên, gần 600 học sinh (chủ yếu là tiểu học và mầm non) thuộc diện F1, phải cách ly tập trung, nên phần lớn số giáo viên còn lại trong vùng dịch đều được trưng tập để thực hiện nhiệm vụ là “hậu phương vững chắc”.
Không phải tới trường như mọi khi, hơn chục ngày nay, mỗi sáng thầy Đinh Thành Luân (giáo viên Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ) đều có mặt rất sớm tại nhà ăn công vụ. Thầy đến để tham gia chuẩn bị bữa ăn cho hơn 100 người thực hiện cách ly tại trường. Ngoài 7 người lớn, số còn lại đều là học sinh bậc học mầm non và tiểu học.
“Công việc hàng ngày của chúng tôi là quét dọn, vệ sinh xung quanh khu ở và bảo đảm chế độ ăn uống cho các em. Vì đây là trường bán trú nên việc chăm sóc cho học sinh chúng tôi đã quen từ trước nay. Chỉ có điều, trong điều kiện dịch dã mọi việc đều phải cẩn trọng hơn. Tất cả phải bảo đảm an toàn, từ phòng chống dịch, đến an toàn vệ sinh thực phẩm” – thầy Luân chia sẻ.
Mặc dù, khu cách ly mới thành lập thời gian ngắn, song những câu chuyện “dở khóc, dở cười” mà thầy giáo trẻ chia sẻ đã cho chúng tôi thấy một hình ảnh rất khác của họ giữa tâm dịch. Trách nhiệm, nhiệt huyết và cẩn trọng từng bữa ăn, giấc ngủ, quần, áo, thậm chí dọn dẹp “sản phẩm” của những bé mầm non vô tình làm bẩn giường, chiếu... tất cả đều tràn đầy tình yêu thương và sự ấm áp.
Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ có 46 cán bộ, thầy cô thì gần nửa trong số đó không nằm trong diện phải cách ly. Toàn bộ số này đều được trưng tập và tự nguyện ở lại trường làm công tác hậu cần như thầy Luân.
“Nhiều lứa tuổi khác nhau nên chế độ ăn cũng khác nhau. Các thầy cô đều dành tâm huyết để mỗi bữa ăn của các cháu được ngon miệng và đầy đủ dưỡng chất, góp phần nâng cao sức khỏe, “chiến đấu” với bệnh tật. Việc vận chuyển đến cho các cháu được cán bộ y tế và lực lượng chức năng thực hiện” – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-TH Phìn Hồ Trần Đăng Khoa cho hay.
Cũng theo chia sẻ của thầy Khoa, từ ngày 17/5 đến nay, với sự chia sẻ, hỗ trợ của cá nhân, đơn vị thiện nguyện, các cháu đã có thêm bữa ăn phụ là bánh mì và sữa vào giữa hai buổi sáng, chiều.