Thông tin trên báo Năng lượng mới, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có tên nước ngoài là Thiên Ngọc Minh Uy Company Limited, viết tắt là Thiên Ngọc CO.,LTD. Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi đến 15 lần, lần gần nhất là vào ngày 10/7/2015.
Điều đáng nói, số vốn điều lệ của Công ty này chỉ là 10 tỉ đồng với 3 thành viên góp vốn là nữ. Cụ thể bà Lê Thị Phương Thảo (trú 12/2 cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11, TPHồ Chí Minh) góp vốn 5 tỉ, tương đương 50%.
Hai người còn lại góp vốn 2,5 tỉ tương đương 25% là Nguyễn Thị Xuyến (đội 10, xã Hà Châu, Hà Trung, Thanh Hóa) và bà Lâm Nữ (63/6A Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
Người đại điện theo pháp luật của Công ty là bà Lâm Nữ với chức danh “Giám đốc”, người Hoa, sinh ngày 15/10/1984, tức 32 tuổi. Còn trụ sở chính thì đặt tại số A6/D11+A7D11/Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Tp. Hà Nội. Nghề nghiệp, trình độ của ba người góp vốn cũng không được nêu rõ trong các giấy tờ liên quan.
Báo Giao thông thông tin thêm, thời gian đầu thành lập, Thiên Ngọc Minh Uy được biết tới là công ty bán hàng đa cấp “đa chủng loại” từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm cho tới hàng kim khí điện máy, gia dụng...
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nắm bắt tâm lý của người dân, hệ thống chân rết của Thiên Ngọc Minh Uy lại tập trung hướng kinh doanh tới những gói sản phẩm làm đẹp và “chăm sóc sức khỏe”.
Cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy nằm trên đường 32 (Hoài Đức, Hà Nội) mang tên Triều Long, được mở cách đây khoảng 3 năm, thu hút hàng trăm hội viên là người dân trong vùng tham gia.
Tới đây, mọi người đều được nhân viên tư vấn mời tham gia các gói chăm sóc sức khỏe. Không biết công dụng, hiệu quả của các gói sản phẩm này ra sao, song chúng đều có giá “trên trời”.
Với chiêu bài dụ dỗ những ai hám làm giàu nhưng không phải lao động, “ngồi mát ăn bát vàng”, Thiên Ngọc Minh Uy đã làm cho nhiều người “sập bẫy” vào mạng lưới đa cấp.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, bản chất của mạng lưới Thiên Ngọc Minh Uy là sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc xuất xử chủ yếu từ Đài Loan (Trung Quốc) và bán với giá cao ngất ngưởng.
“Con mồi” hầu như không quan tâm đến giá cả, chất lượng sản phẩm mà chỉ quan tâm đến chiết khấu. Đánh đúng vào “lòng tham” một một số người, Thiên Ngọc Minh Uy đã lôi kéo được hàng nghìn “con mồi”.
Người trước “ăn trên lưng” của người sau (kể cả con lôi kéo bố mẹ, vợ lôi kéo chồng, họ hàng lôi kéo lẫn nhau…), mạng lưới đa cấp cứ thế nhân rộng ra đến tận thôn, xóm, gia đình, dòng họ, vùng miền…
Nhiều sinh viên do không đủ tiền tham gia nhưng lại có “cuồng vọng” làm giàu nên sẵn sàng cầm cố giấy tờ. Khi mọi chuyện vỡ lở thì gia đình lại phải đứng ra chịu trách nhiệm...
Một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ trước đây từng có lần bị mời đến cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy để nghe hội thảo. Khi đến nơi, đầu tiên khách hàng sẽ được xem một đoạn phim ghi lại cảnh trao “tiền lương” cho các nhân viên của công ty với những con số lên tới hàng chục, hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng với lời hứa hẹn rằng “nếu tham gia với chúng tôi, bạn sẽ còn nhận được nhiều hơn thế”.
Rất nhiều người “mờ mắt” với những số tiền khổng lồ trên đã đầu tư mua mã vào công ty dưới hình thức mua sản phẩm với giá trên 4 triệu đồng mà không hề biết giá sản phẩm đó thực tế chỉ có hơn 1 triệu.
Nhiều người sau một thời gian tham gia nhận ra được sự phi thực tế trong chiến lược kinh doanh “ngồi mát ăn bát vàng” của công ty đã có ý muốn từ bỏ và lấy lại tiền nhưng đều không được.
Bệnh nào cũng "chữa" tại cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy
Cuối năm 2015, báo Pháp luật & Xã hội từng đưa tin, thực tế, trong giới kinh doanh đa cấp không ai là không biết đến Thiên Ngọc Minh Uy.
Với một mạng lưới các nhà phân phối rộng lớn trên khắp các tỉnh thành, nhằm đi trước đón đường, ngay sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực, Thiên Ngọc Minh Uy đã tiến hành các thủ tục đăng ký và đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cấp giấy chứng nhận hoạt động đa cấp số: 001/QLCT-GCN ngày 16/09/2014.
Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp mà Thiên Ngọc Minh Uy đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh lên đến gần 100 mặt hàng. Trong đó thực phẩm chức năng là 21 sản phẩm, mỹ phẩm là 54 sản phẩm, hàng may mặc là 5 và mặt hàng kim khí điện máy hàng gia dụng, dụng cụ massage là 14 sản phẩm.
Với một số lượng hàng hóa đa dạng về chủng loại cùng với mạng lưới nhà phân phối lên đến hàng chục nghìn người vì vậy doanh thu của công ty này có tháng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là nguồn gốc các loại sản phẩm này vào Việt Nam bằng cách nào? Có thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc đăng ký chất lượng, nhãn mác cho các sản phẩm lưu hành? Có kê khai đúng và đủ các nghĩa vụ về thuế hay không, là các câu hỏi cần được các cơ quan chức năng làm rõ
Ở hệ thống của Thiên Ngọc Minh Uy còn có chiêu bài rất hấp dẫn để thu hút mọi người tham gia, đó là “chăm sóc sức khỏe" miễn phí. Thời gian trước, đối tượng Thiên Ngọc Minh Uy nhắm tới là các sinh viên, hoặc những người “hám lời” để mời chào vào mạng lưới bán hàng đa cấp thì hiện nay khách hàng mà Thiên Ngọc Minh Uy “nhắm tới” là những người trung niên, hoặc những người già có dấu hiệu về sức khỏe để tiếp thị.
Đáng ngạc nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các nhân viên tư vấn ở nhiều cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy không những chỉ với nhiệm vụ là một nhân viên tiếp thị, mời chào khách hàng mà còn “đọc bệnh“ vanh vách như những bác sỹ Đông y.
Một nhân viên tư vấn tên L của cơ sở Hoàng Giang Phúc cho biết, những nhân viên đang hành nghề chăm sóc sức khỏe của cơ sở này còn có khả năng "diện chẩn" (chẩn đoán bệnh qua quan sát mặt mũi người ta) phát hiện sớm các loại bệnh tật từ sỏi thận , đến gan, tỳ hư tổn, đau vai gáy, thoái hóa đốt sống cổ …chỉ với các dụng cụ là những “cốc mê ca có lõi từ”.
Các bộ sản phẩm dùng cho đau vai gáy, thận yếu tỳ hư, căng da mặt… ở đây đều có giá là 11,8 triệu đồng/bộ. Nếu các sản phẩm và phương pháp diện chẩn bệnh, xoa bóp phòng ngừa bệnh của các cơ sở thuộc Thiên Ngọc Minh Uy thực sự tốt cho sức khỏe của mọi người thì rõ ràng đây là một cơ sở khám bệnh, điều trị bệnh theo kiểu Đông y.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là các cở sở này có tuân thủ theo quy định về khám chữa bệnh hay không ? Những người hành nghề có được đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y Tế ?
Công ty Thiên Ngọc Minh Uy liên tục bị tố lừa đảo khách hàng
Năm 2015, thông tin trên báo Bảo vệ Pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh về nhiều hành vi có dấu hiệu lừa đảo, kinh doanh thiếu minh bạch của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Theo đó, nhiều người dân ở thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để được tham gia vào hệ thống cơ sở Hoàng Giang Phúc của công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với hi vọng sẽ kiếm được số lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn đã bỏ ra.
Tuy nhiên, để đạt được khoản lợi nhuận đó, khách hàng phải dụ dỗ, lôi kéo được càng nhiều người tham gia vào hệ thống của mình. Kể từ đây, khách hàng sẽ không phải làm gì mà tiền vẫn có thể “chảy” vào túi một cách dễ dàng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh về cách làm việc thiếu minh bạch của cơ sở Hoàng Giang Phúc, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc xử lý sự việc.
Ông Lê Hữu Thái - Chủ tịch thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) - cho biết: “Những lần kiểm tra trước đây, cơ sở này không đưa ra được loại giấy tờ nào liên quan tới bán hàng đa cấp mà chỉ có giấy phép kinh doanh hàng kim khí và điện máy do Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê cấp. Chúng tôi đang xem xét rút giấy phép kinh doanh của cơ sở này”.
Theo quy định của pháp luật, muốn thực hiện bán hàng đa cấp tại địa phương, các cơ sở này phải được Sở Công Thương xác nhận. Vậy cơ sở Hoàng Gia Phúc đã có được sự xác nhận này hay chưa?
Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - nói: “Hiện nay chúng tôi chưa cấp giấy xác nhận cho một đơn vị bán hàng đa cấp nào, có nghĩa là tất cả các đơn vị kinh doanh trên địa bàn hiện nay là kinh doanh trái phép ”.
Kinh doanh trái phép đồng nghĩa với việc những sản phẩm bán ra cũng không được quản lý về chất lượng cũng như giá cả. Nguy hiểm hơn nữa, các cơ sở này còn công khai khám chữa bệnh hàng ngày cho người dân với mác "chăm sóc sức khỏe".
Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh - khẳng định: “Với những hoạt động mà chúng tôi đang xem xét thì đây là một hoạt động trái pháp luật. Cho đến thời điểm này, Sở Y tế chưa cấp phép về hành nghề khám, chữa bệnh đối với cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy”.
Không được phép kinh doanh đa cấp nhưng vẫn hoạt động và phát triển rộng khắp. Không được phép khám chữa bệnh, nhưng hàng ngày vẫn khám chữa bệnh.
Tại sao một cơ sở doanh nghiệp hoạt động trái quy định vẫn tồn tại? Theo cơ quan Công an tỉnh Hà Tĩnh, việc theo sát các cơ sở này là không hề dễ dàng.
Đại úy Đậu Duy Hưng - Phụ trách Phòng Chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) - nói: “Doanh nghiệp chỉ thuê địa điểm, chưa đăng ký tạm trú với Công an phường. Doanh nghiệp nay thuê địa điểm này, mai thuê địa điểm khác thì rủi ro rất cao đối với người dân tham gia mạng lưới đó. Doanh nghiệp làm ăn mà thua lỗ dẫn đến phá sản thì người dân không biết tìm ở đâu để đòi lại tiền”.
Thiên Ngọc Minh Uy bị tố đánh người
Tháng 9/2013, báo Dân trí đưa tin, sau khi trót nộp tiền vào công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh Định Công (Hà Nội), cho rằng bị lừa, nhóm sinh viên đến trụ sở của công ty này đòi hủy hợp đồng, lấy lại tiền. Tuy nhiên, ngay tại đây, nhóm sinh viên đã bị đánh hội đồng dã man.
Nguồn cơn sự việc là do anh Lê Quốc Đạt (SN 1995), trú tại Hà Nội, sinh viên một trường đại học bị dụ dỗ tham gia vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Cũng là nạn nhân bị hành hung tại công ty đa cấp này, anh Đạt cho biết: " Vào tháng 8/2013, có một người vào facebook của tôi kết bạn, tạo niềm tin rồi rủ tôi đến Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh Định Công.
Ngày 18/8, chị ta dặn tôi mang theo học bạ cấp ba rồi đưa tôi đến đó. Tại đây, tôi được người của công ty mời chào, lôi kéo và hứa hẹn về những mức lương khủng, công việc nhàn hạ với điều kiện phải mua sản phẩm của công ty là máy lọc nước Ozon giá 7 triệu đồng".
Theo anh Đạt, do anh không có tiền nộp nên thoái thác thì phía công ty lập tức cử một người đưa anh Đạt đến một hiệu cầm đồ trên đường Trần Đại Nghĩa. Chủ tiệm cầm đồ đã cho anh Đạt cầm cố chứng minh thư, học bạ lấy 7 triệu đồng với lãi suất 35 nghìn đồng/ngày.
Ngay trong ngày 18/8, anh Đạt đã làm hợp đồng nộp cả 7 triệu đồng vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
|
Anh Nguyễn Hoàng Hưng thời điểm ngay sau khi bị hành hung với thương tích chảy máu.
|
Anh Đạt cho biết thêm, sau khi về nhà lo lắng không có tiền chuộc lại giấy tờ, anh Đạt lên mạng tìm hiểu thì được biết có rất nhiều người tố hành vi của công ty đa cấp này là lừa đảo, trong đó có hẳn một diễn đàn phản đối. Vì vậy, anh lên diễn đàn đề nghị được giúp đỡ lấy lại tiền.
Ngày 15/9, anh Nguyễn Hoàng Hưng cùng một số người bạn là admin của diễn đàn đã đồng ý đi cùng anh Đạt đến trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh Định Công yêu cầu hủy hợp đồng.
Khi nhóm sinh viên đến nơi đề đạt yêu cầu với nhân viên công ty đa cấp thì bị từ chối thằng thừng và cười nhạo. Nhất quyết đòi tiền, Đạt, Hưng và một số người bạn tập trung đứng tại khu vực cầu thang dẫn lên hội trường.
Nhiều khách hàng của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đến nơi thấy thắc mắc hỏi chuyện. Nghe nhóm bạn giãi bày, một số người lập tức bỏ về.
Thấy việc làm ăn bị cản trở, nhóm nhân viên công ty "nóng mắt" xua đuổi và đe dọa nhưng nhóm sinh viên kiên quyết chỉ ra về khi đòi được tiền.
Anh Đạt cho biết: “Khoảng 10 giờ, một người xưng là trưởng phòng công ty đa cấp đã nhổ bã kẹo cao su về phía chúng tôi rồi hô “Chúng mày không ưa nhẹ thì ưa nặng”.
Ngay sau đó, hàng chục người mặc áo vest lao vào đánh chúng tôi. Chúng tôi bị chia ra để hành hung. Tôi bị túm tóc giật xuống, đấm vào mặt. May mắn là tôi vùng vẫy chạy thoát. Anh Hưng thì bị đánh đến chảy máu đầu".
Anh Hưng bị đánh nặng nhất, rách trán, đau chân. Hơn nữa, anh Hưng cho biết, trong khi bị đánh anh còn bị một người trong đám nhân viên Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cướp giật giấy tờ trong túi gồm: chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên và thẻ ATM có 700 nghìn đồng trong tài khoản và 50 nghìn đồng tiền mặt.
Sau khi sử dụng luật “giang hồ” với các sinh viên, nhóm người ăn mặc lịch sự kể trên trở lại tầng hai của Cty để dự tiệc sinh nhật một phó phòng. Nhóm sinh viên đã gọi điện đến cơ quan công an nhờ can thiệp
Trước sự việc này xảy ra đã có rất nhiều người tỏ ra bất bình với cách thức bán hàng đa cấp của Công ty này, Báo chí cũng đã có rất nhiều bài viết về sai phạm của doanh nghiệp này, ví dụ Thiên Ngọc Minh Uy và chiêu trò bán hàng đa cấp, trên facebook cũng đã có hẳn Hội những người anti cách làm việc của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, hay nổi bật như diễn đàn Dân Luật – một diễn đàn của những người học luật đưa ra phân tích, mổ xẻ các vấn đề sai phạm của Công ty này.
Đây không phải là lần đầu cái tên Thiên Ngọc Minh Uy một cách tiêu cực như lừa đảo, hay bán hàng đa cấp bất chính.v.v. Điều này phần nào thể hiện sai phạm có tính hệ thống ở doanh nghiệp chuyên bán hàng đa cấp này là việc này đã xảy ra từ lâu.
Nhiều sai phạm liên tục nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại
Báo Đời sống & Pháp luật cũng từng đưa tin. Nếu cách đây khoảng 7 năm, 1 sản phẩm máy ozin của Sinh Lợi (tiền thân của Thiên Ngọc Minh Uy) được bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng thì tới bây giờ khi Sinh Lợi trở thành Thiên Ngọc Minh Uy, giá bán sản phẩm này đã tăng lên 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói, sản phẩm này trên thị trường chỉ được bán với mức giá từ 800.000 đồng tới hơn 1 triệu đồng. Như vậy, hơn mấy triệu đồng đã nằm trong tay những người tham gia. Các sản phẩm khác đều được bán với giá “trên trời” như áo ngực Nano giá 3,2 triệu đồng,…
Vấn đề “thổi” giá của Thiên Ngọc Minh Uy (trước đó tên là Sinh Lợi) trước đây đã được cơ quan chức năng công bố. Năm 2006, Đoàn thanh tra do Sở Thương mại TPHCM thành lập kiểm tra đã công bố 22 mặt hàng mỹ phẩm đang được Sinh Lợi kinh doanh "có vấn đề" về xuất xứ.
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới phải mua hàng nhưng Thiên Ngọc Minh Uy vẫn thực hiện, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định:
“Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”.
Để lách quy định này, các doanh nghiệp cho rằng công ty không ép mua, hàng hóa là do người tham gia tự nguyện mua tích sẵn ở nhà phòng khi khách hỏi đột ngột...
Ngoài ra, cũng các công ty đa cấp Công ty này còn vi phạm luật khi cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp và cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán.