Những đóng góp thầm lặng của bà vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong số 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021.
Xã đề cử làm huấn luyện viên… không lương
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do tạp chí này bình chọn. Trong số này, có bà Trần Thị Kim Thia, 63 tuổi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Bà Sáu Thia từng bán vé số kiếm sống. Bà đã dạy bơi miễn phí cho khoảng 3.800 trẻ em ở Đồng Tháp kể từ năm 1992 đến nay. Bà không nhận học phí để cho các gia đình không phân biệt giàu, nghèo đều có thể đưa con đến học.
Việc làm của bà bắt nguồn từ nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước. Thời điểm đó, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phổ cập bơi. Bà Thia rất tâm đắc và tình nguyện tham gia. Những năm qua, nhờ có bà mà hàng ngàn trẻ em biết bơi, trên địa bàn xã không còn xảy ra trường hợp đuối nước.
Bà Thia quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 26 tuổi, bà đến huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp làm đủ thứ nghề để nuôi thân. Gia đình bà có 9 thành viên, người thứ hai và thứ tư hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Một mình bà tha phương bởi khi 14 tuổi bà từng làm giao liên, rèn được tính cách “chẳng sợ trời, không sợ đất”.
Đến thị trấn Mỹ An, bà làm đội trưởng đội bốc vác đá, cát, xi măng để thi công Bệnh viện 30/4, nay là Bệnh viện Tháp Mười. Với “chức” này, mỗi tuần bà có nguồn thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Làm được 3 năm, bà nghỉ việc, đến xã Hưng Thạnh - vùng đất bốn bề là rừng tràm mưu sinh, ai mướn gì làm nấy. Để có chỗ ở, bà xin mượn đất hàng xóm cất căn chòi. Thấy bà tính tình hiền lành, chịu khó lao động nên một người địa phương nhận làm con nuôi, rồi cho đất cất nhà. Thấy bà cũng có “nét”, nhiều chàng trai ngỏ lời nhưng bà đều từ chối, chấp nhận sống một mình.
Năm 1992, bà Thia được xã vận động làm cán bộ phụ nữ ấp, mỗi tháng được phụ cấp 200.000 đồng. Nguồn sống chỉ bấy nhiêu nên hàng ngày bà ra đại lý lãnh 70 - 100 tờ vé số đi bán. Biết tài bơi lội giỏi của bà Thia, khi triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, xã đã đề cử bà làm “huấn luyện viên”.
Nói về những ngày đầu dạy bơi, bà Thia chia sẻ: “Lúc đầu xã mời, mình cũng sợ lắm, bởi không biết bắt đầu từ đâu, dạy thế nào… Tuy nhiên nghĩ đến cảnh hết trẻ em nơi này đến nơi khác đuối nước thấy tội vô cùng, trong khi đó mình biết bơi mà ngồi không. Sau khi nhận lời, tôi được đưa đi tập huấn hết 3 ngày trên huyện, rồi trở về bắt tay vào dạy các cháu cho đến nay”.
Gần 30 năm dạy bơi miễn phí
Ban đầu, mỗi khóa bơi được bà Thia huấn luyện tập trung ở 1 - 2 ấp, số lượng 70 - 80 em. Thời gian sau, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày một nhiều. Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ.
Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 giờ mỗi ngày và khóa học kéo dài trong 10 -15 ngày. Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp trong xã. Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem cây, lưới cắm, vây bao khu vực ven sông để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, những năm gần đây nước sông bắt đầu ô nhiễm, bà Thia chuyển sang dạy bơi bằng hồ nổi trên cạn. Xong mỗi mùa dạy bơi, bà được xã cấp hỗ trợ từ 1,5 - 2 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền đổ xăng xe. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh gửi tiền nhưng bà nhất quyết từ chối.
“Tự mình đi vận động họ cho con học bơi để không bị đuối nước với điều kiện miễn phí mà lấy tiền coi sao được. Mình nhận dạy vì thương trẻ con, sợ các cháu bị đuối nước chứ không tính công”, bà Thia chia sẻ.
Chia sẻ về lớp dạy bơi, anh Lê Văn Phúc, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười cho biết: “Người dân chúng tôi rất vui mừng khi bà Sáu Thia duy trì các lớp dạy bơi cho trẻ. Nhờ có bà dạy bơi mà trẻ em địa bàn xã Hưng Thạnh và các xã lân cận không còn cảnh đuối nước. Cha mẹ yên tâm khi con em biết bơi, nhất là khi mùa lũ xung quanh nhà bốn bề nước vây quanh”.
Em Võ Văn Lanh, ở xã Hưng Thạnh theo bà Thia học bơi từ năm học lớp 3. Lanh nói: “Bà Sáu dạy bơi rất nhanh, chỉ cần học vài ngày là biết bơi. Em học xong giờ em của em cũng được bà Sáu dạy bơi. Không những biết bơi giỏi mà em còn tham gia các giải thi đấu bơi lội ở địa phương…”.
Nghe tin Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, bà Sáu Thia rất vui mừng. Bà chia sẻ, từ xưa đến giờ dạy bơi cho trẻ không mong vinh danh hay khen thưởng gì, mà chỉ mong trẻ biết bơi, không bị chết đuối. “Trẻ em là tương lai của đất nước, hậu vệ của mình, biết đâu chừng các em sau này sẽ tiếp nối mình dạy bơi cho thế hệ tương lai”.
Về kế hoạch cho tương lai, bà Thia tâm sự: “Bản thân tôi như chiếc xe, khi nào máy còn chạy, bánh còn lăn thì còn dạy bơi cho trẻ”. Bà đang tìm người tiếp nối để duy trì lớp dạy bơi. Tuy nhiên, bà vẫn chưa tìm được người ưng ý. Theo bà, người dạy bơi phải toàn tâm, toàn ý và không nề hà chuyện cực khổ hay tiền bạc. Nếu tìm được người, bà sẽ cùng dạy bơi để truyền đạt kinh nghiệm.
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa của bà Sáu Thia, bà Nguyễn Thị Hạc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tháp Mười cho biết: Dù là tuổi cao nhưng bà Sáu đã có những hy sinh thầm lặng, dạy cho các em nhỏ biết bơi để tự bảo vệ. Những việc làm của bà rất bình dị, giúp ích cho đời, cho xã hội. Gương của bà Sáu đang được lan tỏa, đi sâu vào ý thức cộng đồng, nhân dân địa phương.