FBI bắt chặt tay với các trường đại học ngăn đánh cắp công nghệ

FBI bắt chặt tay với các trường đại học ngăn đánh cắp công nghệ

Những vi phạm khó chấp nhận

Các biện pháp mới được đưa ra sau một chiến dịch chưa từng có bắt đầu từ hơn một năm trước, sau khi chính phủ Mỹ cáo buộc rằng một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang khai thác sự cởi mở của khoa học Mỹ để đạt được lợi ích kinh tế. Tờ Nature đã trao đổi với những người phụ trách nghiên cứu tại các trường đại học công lập khác nhau, những người giám sát hàng trăm triệu USD tài trợ của chính quyền liên bang cho khoa học, về những biện pháp mà cơ sở của họ đang thực hiện để đáp ứng với những lo ngại của chính phủ.

Câu trả lời nhận được cho thấy có sự hợp tác rộng rãi với FBI, bao gồm các cuộc họp thường xuyên, thậm chí có trường hợp thuê cựu đặc vụ. Các biện pháp khác bao gồm hỗ trợ việc báo cáo hoạt động đáng ngờ dễ dàng hơn bằng cách thiết lập các đường dây điện thoại ẩn danh. Nhưng các câu trả lời cũng tiết lộ sự thất vọng. Nhiều lãnh đạo nhà trường lo ngại rằng, biện pháp vội vàng có thể tạo ra sự đối kháng hoặc xa lánh đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài đang làm việc tại Hoa Kỳ.

FBI bắt chặt tay với các trường đại học ngăn đánh cắp công nghệ ảnh 1
Ngày 1/8/2017, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc đề cử ông Christopher Wray làm tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Các cơ quan và ủy ban khác của chính phủ Hoa Kỳ cũng đã phản ứng với mối đe dọa bị cáo buộc. Vào tháng 12/2019, Quỹ Khoa học quốc gia đã công bố một báo cáo về vấn đề này do nhóm cố vấn khoa học ưu tú JASON chuẩn bị. Năm ngoái, Bộ Năng lượng đã cấm các nhà thầu và nhân viên tham gia vào một số chương trình tài năng nước ngoài. Giờ đây rõ ràng là các trường đại học cũng đang thay đổi hành vi của họ.

Bốn trong số các quản trị viên được liên hệ bởi Nature, bao gồm những người tại Đại học bang Washington ở Pullman, Đại học bang Oklahoma ở Stillwater và Đại học Bắc Texas (UNT) ở Denton, cho biết họ hiện có các cuộc họp thường xuyên với đại diện FBI địa phương. Họ nói rằng, mục tiêu của việc họp thường xuyên là làm cho Cục Điều tra Liên bang quen với các nguyên lý của trường đại học về sự cởi mở và nhu cầu hợp tác nước ngoài.

Theo Mark McLellan, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và đổi mới của UNT, những mối quan hệ như vậy giúp tránh một cuộc ghé thăm bất ngờ của FBI. "Củng cố các mối quan hệ như vậy rất hữu ích", Toby Smith, Phó Chủ tịch chính sách tại Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ (AAU) ở

Washington DC nói. Các trường đại học luôn lo lắng rằng họ có thể làm sai, nhưng nếu họ nói chuyện với nhau và làm việc cùng nhau thì khả năng đó sẽ giảm đi đáng kể.

Thuê đặc vụ

FBI bắt chặt tay với các trường đại học ngăn đánh cắp công nghệ ảnh 2
Nhà hóa học Charles Lieber bị cáo buộc khai báo không trung thực khi tham gia một chương trình đào tạo nhân tài ở Trung Quốc.

Đại học South Alabama đã tiến thêm một bước, vào tháng 9/2019, họ đã thuê David Furman, một nhân viên FBI nghỉ hưu chuyên về gián điệp kinh tế và phản gián, làm giám đốc công nghệ thông tin. Furman sau đó cho biết, ông ta đã nói chuyện một đối một với các giảng viên, những người đang xem ông ta như một nguồn tài nguyên, chứ không phải là một mối đe dọa đối với sản phẩm nghiên cứu của họ.

Theo ông McLellan, các trường đại học cũng đang thay đổi quy định đối với việc đi du lịch. Đại học South Alabama đã sửa đổi các quy định với khách quốc tế và UNT đang xem xét áp dụng các hạn chế đối với việc đi du lịch tới một số tổ chức nước ngoài nổi tiếng nơi mà công nghệ có thể bị xâm phạm. Phó Chủ tịch nghiên cứu của Đại học bang Washington Christopher Keane cho biết rằng, tổ chức này đang yêu cầu các giảng viên thực hiện những biện pháp phòng ngừa thích hợp khi đi du lịch.

Trả lời các câu hỏi của Nature, Melur Ramasubramanian, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Đại học Virginia ở Charlottesville, đã chỉ ra các nguồn thông tin có sẵn cho các nhà nghiên cứu. Chúng bao gồm một trang web về cách giải quyết các mối quan ngại về ảnh hưởng của nước ngoài và một trang khác phác thảo chính sách của trường đại học về tính toàn vẹn của nghiên cứu. Trang sau này bao gồm một số điện thoại cho những người muốn báo cáo thông tin ẩn danh. Trường đại học cũng có một địa chỉ email đặc biệt cho các câu hỏi về tiết lộ quan hệ nước ngoài hoặc xung đột tiềm năng, ông nói thêm.

Nature cũng hỏi các phó chủ tịch họ cần những hỗ trợ gì để bảo đảm rằng các nhà nghiên cứu tuân thủ quy tắc công bố thông tin. Một số người nói rằng, các trường đại học đang cố gắng để dung hòa sự khác biệt giữa yêu cầu báo cáo từ các cơ quan khác nhau. Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, Ủy ban Hỗn hợp về Môi trường Nghiên cứu, bao gồm các nhà lãnh đạo từ các cơ quan tài trợ khoa học lớn, đang nỗ lực hài hòa các chính sách đó, nhưng vẫn chưa ban hành hướng dẫn.

"Và câu hỏi vẫn là những gì chính xác được coi là xung đột lợi ích và các trường đại học nên phản ứng như thế nào trong các tình huống khác nhau như khi nhận được khiếu nại nặc danh" - ông Ramasubramanian cho biết thêm.

Một vấn đề khác nảy sinh từ cuộc điều tra của chính phủ là mối lo ngại rằng các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc đang bị nhắm tới một cách không công bằng, cùng với một số nhà nghiên cứu nước ngoài nói chung. Roger Wakimoto, Phó Hiệu trưởng tại Đại học California, Los Angeles, là người duy nhất trả lời câu hỏi này cho tạp chí Nature: Trường đại học của ông đã gửi một bản ghi nhớ cho các giảng viên nhấn mạnh rằng sẽ không dung thứ cho việc lập hồ sơ có tính phân biệt chủng tộc.

Áp lực gia tăng

Vào tháng 1/2020, GS Charles M. Lieber, Trưởng khoa Hóa học và Sinh hóa của Đại học Harvard, đã bị các đặc vụ FBI bắt giữ do cáo buộc che giấu tiền tài trợ từ Trung Quốc. Theo cáo trạng, ông Lieber bị bắt giữ vì che giấu mối quan hệ tài chính với chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Nghìn Nhân tài - một chương trình của chính phủ Trung Quốc để tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế hàng đầu. "Các cáo buộc của chính phủ Mỹ đối với Giáo sư Lieber là cực kỳ nghiêm trọng. ĐH Harvard sẽ hợp tác cùng với các nhà chức trách liên bang và cũng đang tự xem xét cáo buộc về các hành vi sai trái" - phát ngôn viên của ĐH Harvard Johnathan Swain cho biết.

Việc bắt giữ trên đặc biệt đã giúp thuyết phục các nhà khoa học và quản trị viên về tầm quan trọng của yêu cầu phải báo cáo, Mary Sue Coleman, Chủ tịch của AAU, nói trong một cuộc họp được triệu tập vào tháng trước để thảo luận về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ trong các lĩnh vực. Nhưng nỗi sợ bị truy tố cũng có thể ảnh hưởng đến việc các nhà nghiên cứu sẵn sàng báo cáo thu nhập bên ngoài. "Cũng đã có những buổi họp bàn về ân hạn hoặc một số hình thức khoan hồng hoặc giảm hình phạt cho những người phạm tội trong quá khứ," lời của ông David Conover, Phó Chủ tịch nghiên cứu và đổi mới tại Đại học Oregon ở Eugene.

"FBI có khoảng một nghìn cuộc điều tra liên quan đến việc Trung Quốc cố gắng đánh cắp công nghệ ở 56 văn phòng trên khắp nước Mỹ, trải trên mọi ngành nghề và lĩnh vực", Giám đốc FBI Christopher Wray nói, "điều này thực sự là mối đe dọa lâu dài với an toàn thông tin và tài sản trí tuệ của nước Mỹ, tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội".

Phát biểu của Wray được đưa ra tại hội nghị dành cho các thành viên chính phủ Mỹ tổ chức tại Washington, với chủ đề liên quan đến trộm cắp sở hữu trí tuệ. Trong thời gian 4 tiếng, một số quan chức cấp cao nhất của FBI và Bộ Tư pháp (DOJ) đã thảo luận những dấu hiệu báo động về các mối đe dọa và trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) từ các thực thể Trung Quốc ở khối tư nhân và học thuật. "Hoa Kỳ đã không đối mặt với một mối đe dọa tương tự như thế này kể từ thời Liên Xô cũ và Chiến tranh Lạnh" – Giám đốc FBI Wray nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.