F0 uống quá nhiều thuốc bổ, vitamin lợi hay hại?

GD&TĐ - Hiện nay có rất nhiều trường hợp F0 dùng thuốc bổ, vitamin kéo dài với hy vọng nâng cao sức đề kháng, nhanh khỏi bệnh nhưng theo chuyên gia dinh dưỡng việc lạm dụng các loại vitamin có thể hại sức khoẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, để nâng sức đề kháng chống chọi với Covid-19, nhiều F0 tìm cách bổ sung vitamin một cách vô tội vạ. Có người uống cùng lúc đến 3 loại vitamin C ở dạng sủi, dạng C kết hợp kẽm… Miễn sao bao bì bên ngoài ghi có tác dụng tăng sức đề kháng là người bệnh sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, trường Đại học Y tế Công cộng cảnh báo, việc bổ sung vitamin C quá liều, sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả khác như ứ sắt, sỏi thận…

Trong thời gian cách ly tại nhà, F0 có thể dự phòng thuốc hạ sốt, thuốc chữa ho, tiêu chảy, xịt mũi, nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang... Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus, mà phải có ý kiến của các bác sĩ.

Đáng chú ý, khi mở cửa lại trường học, trẻ nhỏ mắc Covid-19 cũng tăng cao, phụ huynh có xu hướng bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao thể lực. Tuy nhiên, các loại vitamin, thuốc bổ khi bị lạm dụng đều gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Với trẻ nhỏ, càng cần có sự cẩn trọng hơn. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dung (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ), vitamin cũng là thuốc, dùng đúng và hiệu quả sẽ tốt, quá nhiều sẽ hại. Do vậy, việc bổ sung vitamin và khoáng chất phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn giống như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào.

Vitamin, thuốc bổ khác không có tác dụng điều trị Covid-19 mà chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để tăng khả năng phòng bệnh, với người đã mắc bệnh sẽ tăng khả năng hồi phục sau khi mắc bệnh

Chuyên gia dinh dưỡng  cảnh báo, việc bổ sung vitamin C quá liều, sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả khác như ứ sắt, sỏi thận…

Tình trạng dư thừa vitamin gây hậu quả nặng nề

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), phụ huynh cần phải hiểu rõ hai nguyên tắc: không dùng vitamin khi không bị thiếu và không được coi vitamin là “thuốc bổ” để khỏe.

Đặc biệt, tình trạng dư thừa vitamin gây hậu quả nặng nề.

Vitamin A có tác dụng  bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, nếu sử dụng lượng lớn mỗi ngày dây dư thừa, vitamin A sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, ban đỏ, da khô và bong vảy, viêm niêm mạc miệng hoặc đau các xương;

Ở trẻ nhỏ, dư vitamin A có thể làm tăng áp lực sọ não, thóp phồng, đau đầu, co giật. Với phụ nữ giai đoạn mang thai trong 3 tháng đầu, dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi.

Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, chống nhiễm khuẩn. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao (hơn 1g/ngày) có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.

Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phôt-pho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ bổ sung vitamin D không quá 400UI/ ngày (đối với trẻ đã cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ)

Tuy nhiên, khi lạm dụng vitamin D liều cao kéo dài, sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, trong nước tiểu; chán ăn, buồn nôn, nôn, khát nước, yếu cơ, mất phương hướng, mệt mỏi; suy thận đọng canxi ở thận …

Thậm chí, nếu không can thiệp có thể dẫn tới tử vong.

Bác sĩ cảnh báo, tuyệt đối không tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày cho trẻ. 

Cũng phân tích về hậu quả của việc uống vitamin, thuốc bổ không đúng cách sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, Covid-19 là bệnh diễn biến tự khỏi sau từ 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc. Điều trị bệnh quan trọng nhất là điều trị các triệu chứng do virus gây ra.

Theo đó, bệnh nhân F0 nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống chảy nước mũi và nghẹt mũi, nhiệt kế, máy đo SpO2. F0 tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus, mà phải có ý kiến của các bác sĩ.

Đặc biệt, khi trẻ nhỏ mắc Covid-19 phụ huynh có xu hướng bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao thể lực. Tuy nhiên, các loại vitamin, thuốc bổ khi bị lạm dụng đều gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Với trẻ nhỏ, càng cần có sự cẩn trọng hơn.

Việc bổ sung vitamin khoáng chất cần phải đúng liều có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Dùng vitamin C liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Vitamin C liều cao làm phá hủy Vitamin B12.

Dư thừa Vitamin D có thể làm chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong.

Uống sắt kéo dài gây ra thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim; Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, hạn chế hấp thu sắt, nôn, rối loạn tiêu hoá…; Uống Vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ Vitamin A.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ