EURO không giữ được người Anh

 Hôm qua có lẽ là ngày đầu tiên sau nhiều tuần lễ, EURO 2016 không còn là sự kiện cuốn hút sự chú ý lớn ở cả châu Âu và trên thế giới. Người Anh rốt cuộc đã “phớt Ăng-lê” trước sự kêu gọi của phần đông thế giới để lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

EURO không giữ được người Anh
EURO khong giu duoc nguoi Anh - Anh 1

CĐV Anh (trái) đã “quay đầu” với phần còn lại của châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES.

Đã có cả 1 chiến dịch giữ Anh ở lại EU, được thực hiện ráo riết trong thời gian vừa qua và kéo dài cho tới sát ngày cử tri Anh đi bỏ phiếu. Nước Anh được cảnh báo sẽ chịu những thiệt hại nặng nề nếu lựa chọn rời khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bóng đá được sử dụng như một kênh vận động cử tri.

Chỉ vài giờ trước thời điểm bỏ phiếu, tờ Ibtimes còn đăng một bài xã luận, động viên châu Âu đoàn kết trong bóng đá ở thời khắc đứng trước khả năng có thể phải “ly hôn” nước Anh. Đây có thể xem là động tác níu kéo cuối của những người mong Anh ở lại EU.

Trước đó, nhiều bài viết đã phân tích những tác động của việc Anh rời EU đối với giải Ngoại hạng. Premier League từ lâu được ví như “con gà đẻ trứng vàng” đối với hoạt động kinh doanh bản quyền truyền hình. Sẽ có cả trăm cầu thủ đang thi đấu ở Premier League không còn đáp ứng được điều kiện để tiếp tục công việc khi Anh mất tư cách thành viên EU. Trong số này bao gồm nhiều cầu thủ nổi tiếng, như tiền vệ Dmitri Payet của Pháp. Bản quyền Ngoại hạng Anh sẽ mất giá, khi giải đấu vắng hoặc giảm các ngôi sao.

Người Anh từng được coi, và hẳn sẽ còn là những tín đồ túc cầu cuồng nhiệt nhất. Nhưng lần này, bóng đá có vẻ như là không đủ để níu kéo, khi nước Anh đối diện với những nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Truyền thông phản đối Brexit ở Anh (thuật ngữ ghép từ Britain và Exit-chỉ việc Anh rời EU) đưa tin 20 CLB tại giải Ngoại hạng đều ủng hộ chiến dịch “Remain”-ở lại EU. Cựu danh thủ David Beckham, người rất được yêu mến ở Anh, cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch của Thủ tướng David Cameron, kêu gọi Anh ở lại EU.

Đấy là bóng đá. Còn phải nói thêm rằng nhiều tháng trước đó, nguyên thủ các quốc gia trên thế giới, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay khối NATO, đều kêu gọi Anh ở lại EU. Quyết định ngược lại được mô tả sẽ là thảm họa đối với cả châu Âu và toàn cầu.

Người Anh, rốt cuộc, đã đưa ra lựa chọn cho riêng mình, với 51,9% phiếu cử tri ủng hộ rời EU. Kết quả kiểm phiếu cũng cho thấy sự phân hóa sâu sắc trong lòng nước Anh. Giới trẻ, London và Scotland ủng hộ EU, nhưng những người cao tuổi và phần còn lại có xu hướng thoát ly. Một bộ phận đông đảo cử tri Anh cho thấy, họ đã phát chán vì phải mang gánh nặng của cả châu Âu, trong khi tự tin mình độc lập mà vẫn có thể sống khỏe.

Trong vài giờ trước khi kết quả kiểm phiếu được công bố, giá trị đồng bảng Anh có lúc đã nhích lên, thể hiện tâm lý lạc quan đối với khả năng cử tri Anh sẽ chọn “Remain”-ở lại. Điều ngược lại xảy ra, cho thấy EU đã lấp liếm hoặc không đánh giá đúng sự chia rẽ trong lòng nước Anh, cũng như ở quy mô lớn hơn, trên cả châu Âu. Nguy cơ khủng bố, vấn đề người tị nạn đang khiến tư tưởng cực hữu ngày càng phát triển mạnh ở lục địa già.

Tại Pháp, lãnh đạo Mặt trận quốc gia Marine Le Pen hôm qua kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý như ở Anh. Những tiếng nói tương tự cũng đang cất lên ở Hà Lan, Scotland… Cả châu Âu đang đứng trước nỗi lo về hiệu ứng domino, bắt đầu từ xứ sương mù.

Người Anh từng được coi, và hẳn sẽ còn là những tín đồ túc cầu cuồng nhiệt nhất. Nhưng lần này, bóng đá có vẻ như là không đủ để níu kéo, khi nước Anh đối diện với những nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Bóng đá, suy cho cùng chỉ là trò chơi, với lợi ích sát sườn không dành cho số đông.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ