Đường về nẻo thiện

GD&TĐ - Những bàn tay ấy, đã từng vi phạm pháp luật và phải trả giá bằng quãng thời gian mất đi quyền công dân. Nhưng trong lớp học này, với bút vở, với phấn bảng, lại là những bàn tay vụng về, thật thà không gian dối với chữ nghĩa. 

Đường về nẻo thiện

Với mong ước đơn giản mà tha thiết: Muốn biết đọc một cuốn sách, biết viết một lá thư trọn vẹn gửi về cho người thân... và hướng thiện. Ấy là câu chuyện của lớp học văn hóa xóa mù chữ tại Trại giam số 3 – Bộ Công an (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Năm nay, lớp học vừa mới được khai giảng vào tháng 4 với tất cả 28 học viên.

Buổi đầu lóng ngóng con chữ

Sầm Văn Chiến (SN 1995) trẻ tuổi nhất lớp và cũng là người được Ban giám thị và cán bộ trại giao nhiệm vụ làm lớp trưởng. Vặn 2 bàn tay vào nhau, Chiến hơi ngại ngùng khi trò chuyện.

Sinh ở một bản làng thuộc huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An), hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sầm Văn Chiến đi học được mấy buổi thì nghỉ ở nhà đi rẫy. Cuộc sống cứ thế trôi qua, cho đến một ngày cậu thanh niên người Thái dính vào mua bán ma túy.

“Nghèo đói, nên chỉ nghĩ là để nhanh kiếm tiền thôi. Không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm tội. Giờ vào đây mới thấy ân hận, thương bố mẹ, vợ con ở nhà”, phạm nhân trẻ tuổi tâm sự.

Nhưng nhắc đến lớp học chữ, đôi mắt của Chiến ánh lên niềm vui. Ngày đầu tiên đi học, được phát bút vở, Chiến mừng lắm, mân mê trang giấy. “Đến khi tay cầm bút, thì mới thấy… toát cả mồ hôi. Em cũng có lúc thấy chán. Rồi em nghĩ đến 2 đứa con ở nhà. Con em bây giờ cũng đang bắt đầu học chữ. Vậy thì em cũng phải cố gắng, để đến khi ra trại bố con đều biết đọc, biết viết. Thời gian thụ án trong tù còn hơn 2 năm nữa, sau này được ra trại, em sẽ không để con em phải thất học...” - Chiến thủ thỉ.

Thế nhưng, ở lớp học này, không phải ai cũng tiếp thu nhanh như Chiến. Phần lớn các phạm nhân đều là người đã lớn tuổi, khả năng tiếp nhận không đồng đều, nên việc dạy học ở nơi đặc biệt này vô cùng vất vả.

“Học viên nhiều tuổi nhất đã hơn 50 tuổi, còn lại tầm 30 – 40 tuổi, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Trước kia, do không được học hành đầy đủ nên không biết chữ, càng nhiều tuổi lại càng ngại học và chậm tiếp thu. Hôm nay dạy, có thể nhớ được, nhưng ngày mai hỏi lại, thì đã quên phải dạy lại từ đầu” - Đại úy Nguyễn Bá Đường – cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ, Trại giam số 3 nói.

Cảm hóa bằng tấm lòng người thầy

Lớp học xóa mù tại Trại giam số 3 được mở từ năm 2010, dành cho phạm nhân không biết chữ đang thụ án tại đây. Mỗi năm, có từ 2 - 3 lớp được khai giảng và trong thời gian từ 6 - 9 tháng. Mục đích nhằm giúp các phạm nhân biết đọc, biết viết thành thạo. Từ đó, giáo dục nhận thức pháp luật, cũng như các kiến thức xã hội khác cho “học viên”, Trung tá Đào Anh Sơn – Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết.

Là người gắn bó với hầu hết các lớp xóa mù tại Trại 3, Đại úy Nguyễn Bá Đường đến nay đã có “gia tài” gồm không ít những “học trò mặc áo số”. Từng tốt nghiệp CĐSP và đã giảng dạy ở một ngôi trường trung học bình thường, rồi cơ duyên đưa anh đến công tác tại Trại giam số 3. Nhưng ở đây, nghề giáo lại tìm về với người thầy ở một hoàn cảnh đặc biệt hơn, mà không kém phần ý nghĩa.

Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, các học viên mặc áo số lại tập trung đầy đủ tại lớp học, tập đọc, tập viết... Dù rằng không ít phạm nhân thấy việc học còn cực khổ, nhọc nhằn hơn lao động chân tay. Thậm chí xin thầy cho được đi cải tạo, vì “tay cầm cái bút nó không chạy”. Nhưng bằng sự kiên trì của cả “thầy” lẫn “trò”, khó khăn dần trôi qua, con chữ hiện lên dưới ngòi bút, rõ ràng, tròn trịa và mừng vui.

Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết thêm: “Lớp học xóa mù đơn giản xuất phát từ thực tế trước đây, nhiều phạm nhân nhập trại không biết ký tên và đọc thư người thân. Không ngờ, các phạm nhân lại hưởng ứng và chúng tôi đã duy trì lớp học suốt gần 10 năm qua, với hàng chục khóa đã tốt nghiệp. Bây giờ, họ đã có thể đọc, viết thư về cho gia đình, trong đó, có cả những bức thư, câu thơ gửi lời cảm ơn đến giám thị, cán bộ khiến chúng tôi rất cảm động”.

Nuôi khát khao hướng thiện

Thư viện dành cho phạm nhân ở Trại giam số 3 có rất nhiều sách. Những cuốn sách đã cũ, thậm chí sờn mép, vì được lật giở quá nhiều lần. Đinh Văn Tài là học viên tốt nghiệp lớp xóa mù của năm 2017, giờ đây là bạn đọc thường xuyên của thư viện.

Ngày nhập trại, lý lịch của Tài (quê Lạng Sơn) là phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy, kèm theo ghi chú là không biết chữ. Được các cán bộ vận động mãi, Tài mới dám ghi tên vào lớp xóa mù, phần vì ngại, mặc cảm và sợ học không vào nữa. Nhưng học rồi mới thấy cái chữ cũng không khó lắm. Sau 6 tháng vất vả học hành, Tài đã có thể viết trọn vẹn một bức thư gửi về nhà.

Biết chữ, cũng đã giúp Tài đến với những cuốn sách và gặp được nhiều số phận, thấy nhiều chuyện đời, chuyện người cùng những hiểu biết về cuộc sống xã hội đang đổi thay từng ngày ngoài kia. Sách đã mở ra một thế giới tự do trong suy nghĩ, nhận thức, và khám phá của Tài. “Tôi thấy thật biết ơn và may mắn khi ở trong này, mình đã có chữ” - Đinh Văn Tài chia sẻ.

Thủ thư tại đây cũng là một phạm nhân - Hờ Bá Lữ, quê xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Đã thụ án được 10 năm và ở độ tuổi bên kia dốc cuộc đời, người đàn ông dân tộc Mông trở nên điềm đạm: Các cán bộ quản giáo đã dạy tôi rất nhiều điều, hơn nữa, ở đây, tôi có thời gian đọc sách, là việc mà trước kia tôi chưa bao giờ thực hiện. Tôi đã đọc nhiều cuốn “Gửi lời xin lỗi”, tập hợp thư của các phạm nhân trong cả nước và thấm thía tội lỗi mình gây ra.

Nhiều sách Lữ đọc không hiểu, “nhưng nhìn vào đó, tôi lại nhớ đến con gái mình, năm nay, nó học đến lớp 11 rồi, nó có học hơn bố, chắc chắn nó sẽ biết. Mong rằng, cuộc đời con sẽ tốt đẹp hơn…”, niềm hi vọng đó là động lực để Lữ sống và cải tạo.

Có lẽ, những câu chuyện của Lữ, của Tài… cũng là của nhiều phạm nhân khác trong trại giam số 3 này. Với trang sách, họ được đọc, được học, và dám đối diện với chính mình. Rất nhiều phạm nhân, mỗi năm tham gia viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Dù muộn màng, nhưng cánh cửa hoàn lương về nẻo thiện đã mở ra trước mắt họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ