Mỗi năm trả lãi 300 tỷ đồng
Báo cáo của Bộ GTVT hôm 1/10 cho thấy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể depot và cảnh quan cây xanh. Dự án cũng đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống, đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.
Thế nhưng, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn vướng mắc. Thứ nhất, dự án chưa hoàn thành việc chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu. Với các thiết bị đã lắp đặt, nhà thầu chưa cung cấp chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá bảo đảm an toàn hệ thống.
Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn nghiệm thu các hạng mục thiết bị cũng chưa thực hiện. Việc hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử như thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé... để đồng bộ hóa cũng chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, đây là cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Vướng mắc nhất được nêu ra là dự án chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng. Đây là điều kiện quan trọng để tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống. Do đó, không có đủ cơ sở để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. Theo ông Đường Hồng, vướng mắc này là do “đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn”. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng vì tư vấn tham gia năm 2016, ở thời điểm tất cả các hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Vì vậy, cho nên có những hồ sơ “không bổ sung được”.
Về việc chậm vận hành thương mại chính thức tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến dự án khai thác thương mại vào 9/2017 nên việc quản lý vận hành giao cho Hà Nội. Phía TP Hà Nội cũng đã làm thủ tục vay lại vốn vay của dự án và trả lãi từ năm 2018. Bình quân mỗi năm TP Hà Nội vẫn phải trả lãi vay gần 300 tỉ đồng cho việc vận hành dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chạy thử từ tháng 9/2018, đến nay đã hơn 1 năm. Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã tuyển gần 1.000 người, đào tạo vận hành xong nhưng 2 năm nay “phải nuôi không” vì chưa có việc làm do dự án chậm khai thác. Không những thế, “một số công nhân đã bỏ việc dù đã được đào tạo xong”. Và Hà Nội không mong muốn gì hơn rằng dự án nhanh chóng đi vào vận hành và bàn giao cho Hà Nội khai thác.
Đã quá mức kiên trì
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong buổi tháp tùng Phó Thủ tướng Chính phủ thị sát tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi thấy dự án kéo quá dài so với yêu cầu của người dân”. Ông Thể cũng cảm thấy rằng, “dự án càng kéo dài thì càng bức xúc”. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ GTVT, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ và phải đưa dự án vào khai thác với thời gian sớm nhất trong năm 2019. Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp ngồi với nhà thầu tư vấn để tháo gỡ vướng mắc, sớm có được chứng nhận an toàn hệ thống để đưa dự án vào khai thác. Trong đó, yêu cầu số một là phải tuyệt đối an toàn trong hoạt động.
Trước cuộc làm việc chính thức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chất vấn Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông Đường Hồng, đại diện cho tổng thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc, về thời hạn thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án, đưa vào khai thác. Ông Đường Hồng cho biết, hồ sơ liên quan theo yêu cầu của tư vấn, tổng thầu đều cung cấp và đang đợi ý kiến cuối cùng của tư vấn độc lập. Phó Thủ tướng yêu cầu phải đưa vào khai thác nhanh vì phía Việt Nam “đã quá mức kiên trì rồi”. Ông Đường Hồng cho biết, cũng mong muốn điều đó vì chậm trễ rất “ảnh hưởng tới hình ảnh của chúng tôi”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: “Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều”!
Ấy thế nhưng, trước sự “sốt xình xịch” của người đại diện Chính phủ, cũng như người đứng đầu UBND TP Hà Nội, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 2/10, trước câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng chưa thể đưa ra được thời điểm cụ thể để vận hành, khai thác tuyến đường sắt này. Ông Đông cũng khẳng định thông tin, các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành. Bộ GTVT đã thuê đơn vị tư vấn độc lập của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, tổng thầu Trung Quốc cung cấp không đầy đủ hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống tàu. “Đặc biệt là hồ sơ liên quan đến chứng chỉ, quá trình thí nghiệm các trang thiết bị liên quan đến đoàn tàu, đến an toàn hệ thống của đoàn tàu để đưa vào khai thác”, ông Đông cho hay.
Ông Đông nhấn mạnh, sẽ chỉ “đưa vào khai thác trên cơ sở khi có đánh giá độc lập được nghiệm thu”. Và như vậy, như ông Đường Hồng cho biết ở trên, do “đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn” và có những hồ sơ “không bổ sung được” sẽ là vướng mắc chính trong nghiệm thu. Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai để tuyến đường sắt có thể được nghiệm thu, đi vào vận hành cứ “xoay tít đèn cù”. Xem ra, mốc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn là vận hành trong năm 2019 khó khả thi. Và vì thế, TP Hà Nội còn phải tiếp tục “nuôi không” cả nghìn người, trong sự bức xúc ngày càng tăng của dư luận xã hội.