Đừng mang trang phục Hàn Quốc chụp ảnh dưới gốc hồng ở Ninh Bình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Chúng ta đang bội thực các chương trình ca nhạc giải trí, nhưng lại rất thiếu những câu chuyện văn hóa dung dị thường ngày.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có lẽ đã rất lâu rồi, những người trẻ ở TPHCM mới lại được chứng kiến một cuộc trò chuyện đầy tính văn hóa và lịch sử giữa hai sử gia miền Nam Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư.

Những người yêu lịch sử nước nhà đã được hai nhà nghiên cứu 102 tuổi chia sẻ về việc học hành, hoàn cảnh. Những khó khăn, trắc trở trên bước đường viết sử; quá trình nghiên cứu lịch sử ở từng giai đoạn phát triển của đất nước…

Hai cụ cũng giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của những người yêu lịch sử về nhiều vấn đề và sự kiện đất nước. Đồng thời, qua cuộc chuyện trò – hai nhà nghiên cứu cao niên cũng nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa dân tộc và văn hóa con người. Lan tỏa lịch sử, tiệm cận sự thật, không sa vào những tranh cãi vô bổ… cũng là một nét văn hóa mà những người trẻ cần biết.

“Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” - Đó là 2 câu đầu trong bài thơ lục bát “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào năm 1942. Tầm quan trọng của lịch sử không chỉ là biết tới cội nguồn, mà còn là sự tiếp nhận các nét đẹp của đạo đức, đạo lý làm người Việt Nam.

Thế nhưng trong thực tế cuộc sống hiện đại, thực trạng “mù sử” hay “mù văn hóa” truyền thống rất phổ biến. Nhiều người rất thạo sử nước ngoài nhưng không rõ lịch sử Việt Nam, đa số lại rất am hiểu phong tục tập quán Trung Quốc – trong khi không tỏ tường chính nền văn hóa nước mình.

Nói do cơ chế thị trường, do công cuộc hiện đại hóa khiến con người thờ ơ với lịch sử và văn hóa dân tộc chưa hẳn đã đúng, nhưng cũng không phải là sai. Trên truyền hình nhan nhản chương trình giải trí, nhưng hiếm thấy các chuyên đề lịch sử công phu. Rồi ca nhạc, phim hài, trò chơi… nhan nhản, mà ít thấy các chương trình văn hóa thật bài bản.

Chúng ta dễ thấy người trẻ am hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam - điều này dễ hiểu và dễ thấy nguyên nhân. Trong khi phim lịch sử nước ngoài sản xuất rất công phu, thì phim ở nước ta tương đối hời hợt. Từ kịch bản, phục trang, diễn xuất… đều khó thu hút người xem.

Hoặc các vấn đề mang tính quảng bá văn hóa. Giới trẻ Việt từng hào hứng đi thuê trang phục Hanbok của Hàn Quốc để chụp ảnh dưới gốc cây hồng ở Ninh Bình. Trong khi đó, chúng ta có áo dài – một nét văn hóa rất truyền thống, rất đẹp đẽ thì lại bị lãng quên.

Trong khi chúng ta có quá nhiều các cuộc chuyện trò về giải trí, người đẹp, về các drama tiêu cực - thì lại vắng bóng những diễn đàn lành mạnh để hướng con người đến mỹ tục văn hóa.

Thế nên, cuộc giao lưu trao đổi giữa hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư diễn ra trong tuần qua thực sự là một “cuộc chuyện văn hóa” cần thiết. Cụ Nguyễn Đình Đầu hóm hỉnh nói rằng “đây là một cuộc Đầu – Tư”, và quả thật cuộc chuyện ấy giúp người trẻ đầu tư cho chính mình tình yêu với lịch sử cũng như với nền văn hóa.

Tiếc rằng, những “cuộc chuyện văn hóa” vẫn quá ít ỏi, trong khi chúng ta đang phải bội thực với các chương trình giải trí nhảm nhí diễn ra nhan nhản khắp nơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ