Xót xa thay khi những rặng san hô đẹp ở vùng biển Phú Yên tiếp tục bị tổn thương vì những một phút vui vẻ của con người: Lặn xuống biển lấy câu đố để ở những tấm bê tông hình tròn đặt trong khung sắt. Đau lòng thay, những rặng san hô đó đã phải oằn mình “cõng” cả khung sắt với 3 chiếc cọc có những tấm bê tông hình tròn mang câu đố…
Chẳng lẽ, để mua vui, con người có thể bất chấp tất cả? Có thật là những người tổ chức gameshow này không hề biết các quy tắc khi lặn biển, nhất là không được động đến sinh vật biển?
Chỉ đến bây giờ, khi bị tố giác (từ việc lên sóng truyền hình – tập 6 – trên kênh VTV3), bị dư luận phản ứng, ê kíp sản xuất chương trình “Cuộc đua kỳ thú” mới “hiểu việc làm đó là sai” để “gửi lời xin lỗi tới khán giả và biển Phú Yên” rồi “rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này”… trên trang fanpage của mình. Thế là xong quy trình xin lỗi, rút kinh nghiệm vô cùng… quen thuộc.
Cứ kiểu pháp luật “ngó lơ” thế này, đồ rằng rồi ngày mai, ngày kia… sẽ tiếp tục có những kiểu chương trình mua vui như “Cuộc đua kỳ thú” cứ thoải mái “làm đau”, làm tổn thương thiên nhiên một cách vô tội vạ, nếu bị dư luận phát giác thì thực hiện quy trình… xin lỗi, rút kinh nghiệm là mọi việc lại êm xuôi! Liệu rằng, sự dễ dãi, lỏng lẻo của pháp luật có gián tiếp tạo điều kiện cho những hành vi văn hóa ứng xử thô bạo với thiên nhiên của người Việt bấy lâu nay càng được dịp… phát huy?
Gần đây, công chúng thế giới được phen “mắt tròn mắt dẹt” khi biết tin nữ diễn viên Hàn Quốc Lee Yeol Eum phải đối mặt với án tù 5 năm vì bắt và ăn thịt 2 con sò tai tượng bên trong vườn quốc gia Hat Chao Mai tại Thái Lan khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Law Of The Jungle (Luật rừng) của Hàn Quốc. Ở Việt Nam đến bao giờ những hình phạt nghiêm khắc ấy mới được thực thi để thiên nhiên cùng biển xanh không còn bị tổn thương?