Thích gì ăn nấy
Năm nay 16 tuổi, đang theo học tại một trường trung học ở quận Thủ Đức, A.H nặng gần 80kg. Em tỏ ra rất buồn phiền vì cân nặng so với các bạn bè trong lớp, trong trường.
“Mặc áo dài em rất… ngại, nhiều bạn bè hay trêu nhưng em không thể bớt ăn đồ ngọt và đồ ăn nhanh. Em thấy mấy đồ đó rất ngon, gần như ngày nào em cũng uống trà sữa, hoặc nước ngọt. Cứ như thế thành thói quen trong mấy năm học cấp 2”, A.H chia sẻ.
Em cho biết, do ba mẹ bận rộn bán buôn ngoài chợ nên thường bữa ăn của em và em trai… thích gì sẽ ăn món đó. Ba mẹ cho tiền rồi tự gọi đồ ăn. Đồ ăn ngon, vừa miệng lại không cần mất thời gian chế biến nên ban đầu ba mẹ cũng ủng hộ, thậm chí còn nhiều lần mua về. Nhưng dần dần thấy em tăng cân nhanh, nên bắt đầu vào học lớp 10, ba mẹ đã yêu cầu em hạn chế bớt ăn đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, đồ ngọt lại và yêu cầu em thể dục mỗi ngày.
Trần Hạnh là sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM hồi cấp 2 nặng gần 90kg, cao 1,6cm. Nay do thay đổi cách ăn uống, giảm đồ ăn nhanh, hạn chế đồ ngọt, tăng cường rau xanh, chăm tập thể thao nên đã giảm cân rất nhiều.
“Hồi đó, em thích gì ăn nấy, ăn gì cũng thấy ngon, nhất là mấy đồ ăn như pizza, gà rán, xúc xích, trà sữa… Có thể gọi là “ăn uống bất chấp”. Ăn xong hầu như ít tập luyện và mê chơi game nên ngồi nhiều, người phì ra”, Hạnh kể.
Khi hỏi về chuyện ăn uống của trẻ, nhiều phụ huynh cho rằng, do bận rộn, không nấu kịp nên cho con ăn theo sở thích. Dần dần ngày lễ, sinh nhật, cuối tuần, hay khi con được điểm tốt, khi con đòi… là chiều. Chính vì vậy, nhiều trẻ không chịu ăn cơm mẹ nấu. Nhưng khi ra tới tiệm đồ ăn nhanh, thấy gà rán, xúc xích, nước ngọt… là “ăn lấy ăn để”.
Cũng có nhiều người khá dễ tính cho rằng, “con nít mà, thích ăn gì cứ kệ, cho nó ăn. Nó ăn uống được là tốt”.
Có thể thấy, việc quá lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ngọt rất dễ dẫn đến việc trẻ bị béo phì, dư cân, dễ mắc các chứng bệnh về tim mạch… Nhiều phụ huynh khi “sự đã rồi” mới bắt đầu tá hỏa cấm đoán, yêu cầu con giảm ăn đồ ăn nhanh, tăng cường thể dục.
“Chính sự dễ dãi trong ăn uống của gia đình đã hình thành thói quen ăn theo sở thích, không có hiểu biết về ăn uống của trẻ. Điều này muốn thay đổi phải bắt nguồn từ phụ huynh, từ chính gia đình của trẻ”, cử nhân tâm lý học Trịnh Xuân Đức, làm việc tại Trung tâm kỹ năng sống Quận 6, TPHCM nói.
Đừng nấu ăn bằng cách “bấm chuột”
Ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm kỹ năng sống Tinh Anh Việt (TPHCM) chia sẻ, ngày nay trẻ nhỏ, học sinh rất mê thức ăn nhanh, đồ ngọt. Thậm chí người lớn cũng không tránh được “sự hấp dẫn” của nó.
Việc trẻ thích ăn đồ ăn nhanh, theo ông Thanh bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là do thói quen ăn uống, nếp sống của gia đình. Chính ba mẹ cũng là người bận rộn, không có nhiều thời gian để dành cho những bữa cơm gia đình.
Trong khi đó, thức ăn nhanh lại tiện lợi, nhanh gọn, chỉ cần một cú “click chuột” là có những món ăn gà rán, khoai tây chiên, pizza, trà sữa, mì trộn, xúc xích… Với màu sắc bắt mắt, hấp dẫn, ngon miệng… còn dinh dưỡng và độ an toàn thực phẩm thì rất khó để kiểm nghiệm, kiểm chứng.
Chưa kể, những món ăn này được bày bán khắp nơi trên thị trường với nhiều thương hiệu khác nhau, hay đồ “nhà tự làm”… được quảng cáo rầm rộ. Ở siêu thị, gần trường học, ngay trong khu nhà ở… tất cả đều có mặt của thức ăn nhanh. Chính vì vậy, “con cứ gọi đồ ăn đi, ba mẹ không về kịp. Mẹ không kịp nấu ăn, các con gọi đồ ăn đi… Món này cũng ngon lắm, thôi mua về ăn cho tiện…”, là những câu nói rất dễ nghe thấy ở nhiều gia đình ở các đô thị lớn hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Thanh, nhiều gia đình lại rất chiều chuộng con, thấy con ăn được món này món kia, con đòi là đáp ứng ngay. Vì sự dễ dãi của ba mẹ trong chuyện ăn uống đã tạo cho con thói quen ăn uống theo sở thích, thích gì ăn nấy, muốn gì được ăn nấy… mà không hề quan tâm đến chất lượng bữa ăn.
Việc ăn uống cũng phụ thuộc vào ý thức của trẻ, điều này phụ thuộc vào sự giáo dục, hướng dẫn của ba mẹ. Nếu ba mẹ thường xuyên trao đổi, hướng dẫn con, thông tin cho con về tính 2 mặt của thức ăn nhanh, nó cũng có nhiều cái lợi, nhanh gọn nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ có thể gây hại cho sức khỏe. Điều này các bác sĩ dinh dưỡng, các chuyên gia cũng đã đề cập đến rất nhiều. Có thể cho con xem các hình ảnh, thông tin, các chương trình sức khỏe để con nhận thức đúng.
Ông Lý Đức Thanh cũng trao đổi thêm, để tạo thói quen ăn uống cho trẻ, muốn con trẻ hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ngọt thì người lớn cũng phải làm gương. Từ việc ý thức việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, điều độ đến việc rèn luyện thể dục thể thao, cần phải đồng hành, hướng dẫn con trẻ để trẻ có nhận thức đúng, tạo thói quen cho trẻ.
Việc duy trì bữa cơm gia đình với các món ăn đủ chất, phù hợp mỗi ngày ở trường hợp này cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, con trẻ cũng học được những kỹ năng cơ bản để có thể phục vụ bản thân khi ba mẹ vắng nhà.
“Thói quen ăn uống của trẻ rất quan trọng cho sự phát triển về thể chất bên cạnh rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Chính vì vậy, cha mẹ hãy luôn có sẵn cho mình những kiến thức cần thiết, giúp con hình thành thói quen ăn uống phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng”, ông Lý Đức Thanh nhấn mạnh.