Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu thương của cha mẹ

Tháng 7 Âm lịch, người Việt có một ngày lễ mà những người con hiếu nghĩa không thể quên, đó là lễ Vu Lan. Đây là một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt thể hiện lòng báo hiếu của con cái với cha mẹ.

Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu thương của cha mẹ
Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu thương của cha mẹ 1

Thượng tọa Thích Thanh Huân.

Tuy nhiên, không chỉ ở riêng một quốc gia nào, tình yêu thương, sự hi sinh của các bậc sinh thành trên đời này đều là vô điều kiện. Đó là thứ tình cảm chung thủy tuyệt đối nhất mà đôi khi vì những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, chúng ta lại sinh lòng nghi ngờ.

Hai bao tải của người mẹ

Lưu Cương phạm tội cướp giật, phải ngồi tù đã hơn một năm. Từ ngày bị vào tù, Lưu Cương chưa có ai đến thăm. Nhìn những phạm nhân khác thỉnh thoảng lại có người tới thăm nom, còn được người nhà mang đến bao nhiêu đồ ăn ngon, Lưu Cương nhìn thấy mà thèm, liền viết thư cho mẹ để mẹ đến thăm, nhưng không phải vì thèm những đồ ăn ấy mà vì Lưu Cương rất nhớ bố mẹ. 

Sau khi gửi biết bao nhiêu cánh thư nhưng không có bất cứ hồi âm nào, Lưu Cương nghĩ rằng bố mẹ đã bỏ rơi mình. Đau khổ và tuyệt vọng, Lưu Cương lại viết thêm một bức thư nữa, nói rằng: “Nếu bố mẹ không đến thăm con, bố mẹ sẽ mãi mãi mất thằng con này”. 

Hôm ấy trời lạnh đến buốt da buốt thịt. Đang ngồi ủ rũ thì Lưu Cương được thông báo: “Lưu Cương, có người đến thăm!”. Bước vào phòng thăm tù nhân, Lưu Cương đứng sựng lại, là mẹ! Một năm không gặp, trông mẹ thay đổi nhiều đến mức con trai mẹ không nhận ra. 

Mẹ mới hơn 50 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu, lưng mẹ còng như con tép nhỏ, người mẹ gầy gò quá, bộ quần áo mẹ mặc đã sờn rách. Mẹ đi chân trần hằn cáu bẩn và loang lổ vết máu. Bên cạnh mẹ là hai chiếc bao tải cũ. Hai mẹ con cứ thế đứng nhìn nhau. 

Chưa kịp đợi Lưu Cương mở lời, nước mắt mẹ đã trực trào từ đôi mắt mờ đục. Mẹ vừa giơ tay lên quệt nước mắt, vừa nói: “Tiểu Cương à, mẹ nhận được thư con, con đừng trách bố mẹ nhẫn tâm. Thực sự là không có thời gian đi được con ạ. Bố con… lại ngã bệnh, mẹ phải chăm sóc bố con, đường lại xa xôi….”.

Lưu Cương nhìn xuống đôi chân sưng đỏ, nứt bao vết máu của mẹ, xót xa hỏi: “Mẹ, chân mẹ sao thế? Giầy của mẹ đâu rồi ạ?” Chưa kịp đợi mẹ trả lời, quản giáo liền tiếp lời: “Vì bác đi bộ nên mới thế, giầy của bác đã bị rách từ trước rồi.” 

Đi bộ sao? Từ nhà đến đây phải mất ba bốn trăm dặm, hơn nữa đoạn đường núi rất dài! Lưu Cương từ từ cúi người xuống, khẽ xoa lên đôi chân của mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ không bắt xe tới? Sao mẹ không mua giầy mới?” Mẹ vội thu chân vào, nói: “Sao phải bắt xe chứ, đi bộ cũng tốt mà”, mẹ thở dài, “Năm nay lợn bị dịch, mấy con lợn ở nhà đều chết hết, vụ mùa năm nay thu hoạch cũng kém, còn bố con… đi khám bệnh… cũng tốn bao nhiêu tiền... Bố con mà khỏe thì bố mẹ đã đến thăm con lâu rồi, đừng trách bố mẹ con nhé.”

Người quản giáo lau nước mắt, lặng lẽ rời đi. Lưu Cương cúi đầu hỏi: “Thế bố con đỡ hơn chưa mẹ?”. Lưu Cương đợi mãi không thấy mẹ trả lời, vừa ngẩng đầu lên đã thấy mẹ đang lau nước mắt, mẹ nói: “Cát bụi hết cả vào mắt, con hỏi bố con à? Bố con sắp khỏi rồi…..Bố con bảo với mẹ là nói với con là đừng lo gì cho ông ấy, cố gắng mà cải tạo con ạ”. 

Thời gian thăm phạm nhân đã hết. Lưu Cương thương mẹ quá bật khóc thút thít, quản giáo phải lùa đám phạm nhân đang lao động cải tạo ra chỗ khác. 

Lúc này, có một người giám ngục bước vào phòng, cố tình lảng sang chủ đề khác: “Thôi đừng khóc nữa, mẹ đến thăm con trai là chuyện vui, đáng ra phải cười mới đúng, để tôi xem bác mang đồ gì ngon đến nào.” Vừa nói, người giám ngục vừa cầm ngược bao tải xuống. Mẹ Lưu Cương không kịp chặn lại. Mọi thứ ở trong bao rơi ra ngoài. Ngay lúc ấy, tất cả mọi người có mặt đều lặng người đi.

Bao tải thứ nhất bị rơi ra, toàn là bánh bao, bánh nướng bị nứt toác thành bốn, năm mảnh, cứng như đá, không cái nào giống cái nào. Không cần nói cũng biết đây là đồ mẹ Lưu Cương đi ăn xin trên đường. 

Mẹ Lưu Cương lúng túng, hai tay túm lấy góc áo, nói: “Con ạ, đừng trách mẹ đã làm như vậy, quả thật là ở nhà không còn thứ gì có thể mang đi được nữa…”. Lưu Cương hình như không nghe thấy gì, chỉ chăm chăm nhìn vào chiếc bao tải thứ hai, đó là một hộp tro cốt! 

Lưu Cương đứng ngẩn người, hỏi: “Mẹ, đây là cái gì thế mẹ?” Mẹ Lưu Cương thất thần, hốt hoảng, giơ tay ra ôm chặt lấy chiếc hộp: “Không….không có gì đâu con…..” Lưu Cương giành lấy như phát điên, toàn thân run lên bần bật: “Mẹ, đây là cái gì?!” Mẹ Lưu Cương ngồi phệt xuống như người mất hết sức lực, mái tóc bạc khẽ lay động. 

Một lúc sau, bà mới gắng gượng, nói: “Đấy là…bố con! Vì gom góp tiền đến thăm con, bố con đi làm quần quật không kể ngày đêm, bố con bị ngã gục vì suy nhược. Trước khi chết, ông ấy nói khi còn sống không đến thăm con được, ông ấy rất buồn, sau khi chết nhất định phải đưa ông ấy đến thăm con, ông ấy muốn nhìn con lần cuối…”

Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân - Phó văn phòng T.Ư GHPG Việt Nam

Không chỉ với Phật giáo nói riêng mà với đạo lý nói chung trong cuộc sống, tình cảm gia đình luôn được coi là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người. Ở đó bao hàm công ơn sinh thành, sự hi sinh và yêu thương vô bờ bến của người các bậc làm cha, làm mẹ đối với con. 

Đặc biệt trong đó là tình mẫu tử, ngay cả những người mẹ có thể đối xử độc ác với những người khác thì với “giọt máu” của mình, họ vẫn ân cần, che chở, bảo vệ. 

Chính vì vậy mà Đức Phật dạy rằng: “Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng / Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn / Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ / Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u”. (Kinh Tâm Địa Quán)

Câu chuyện trên là một câu chuyện thực sự cảm động về tình mẫu tử. Người mẹ già khắc khổ lặn lội đi bộ hàng trăm cây số đến thăm đứa con trai tù tội, trên vai bà vác hai bao tải mà khi trút xuống, ai cũng không cầm được nước mắt. 

Tình yêu của người mẹ nghèo ấy năm trong những cung đường đá sỏi mà bà phải mang chân trần đi qua, trong những chiếc bánh bao đi xin đã nứt toác và cứng như đá, trong lọ tro cốt của người chồng quá cố muốn được gặp con trai lần cuối… 

Những hi sinh thầm lặng mà các bậc sinh thành dành cho con cái không phải lúc nào chúng ta cũng biết, cũng như nhân vật Lưu Cương trong câu chuyện trên. 

Chỉ vì một năm không thấy cha mẹ đến thăm mà cậu nghĩ rằng mình đã bị bỏ rơi, còn viết thư về hờn trách. Nhưng cậu không biết rằng một năm đó cha cậu bệnh tật, mẹ cậu chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền để đưa chồng tới thăm con một lần. Để rồi, ông nhắm mắt cũng không thực hiện được di nguyện cuối cùng.

Không chỉ trong câu chuyện trên, trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều mâu thuẫn nảy sinh khiến tình cảm giữa cha mẹ và con cái bị rạn nứt. 

Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, “nước mắt chảy xuôi”, có thể một phúc giây nào cha mẹ “quay mặt” với ta, nói lời vô tình với ta, thậm chí đối xử với ta không bằng “người dưng”… Nhưng lúc đó, thay vì oán trách, hãy tìm hiểu xem đằng sau thái độ đó là gì, đừng bao giờ vội vàng nghi ngờ tình yêu thương của đấng sinh thành chỉ vì những suy nghĩ nông cạn.

Theo Gia đình & Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.