Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng việc gắn những bóng đèn LED màu xanh lá chạy bằng pin lên những tấm lưới đánh bắt cá của các ngư dân có thể làm giảm tỷ lệ tử vong của loài rùa biển xanh do mắc phải lưới đến 64%. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng tôm cá mà các ngư dân đánh bắt được.
Rùa biển là một trong những loài sinh vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Nguồn ảnh: thuymuc
Các nhà bảo tồn sinh học tại đại học Exeter (Anh) cho rằng việc chiếu sáng lưới đánh cá bằng đèn LED là một phương pháp hiệu quả, làm giảm đáng kể số lượng rùa biển bị chết một cách vô ích.
Hoạt động thử nghiệm về tính khả thi của phương pháp này đã được tiến hành ở vịnh Sechura, miền bắc Peru. Đây là lần đầu tiên công nghệ quang học giúp bảo tồn sinh vật được áp dụng vào một ngư trường thực tế.
Với giá khoảng 2 đô la Mỹ (44.000 VND) cho mỗi đèn LED, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chi phí để cứu một con rùa biển sẽ dao động vào khoảng 34 đô la Mỹ (760.000 VND). Khoản tiền này sẽ giảm xuống khá nhiều nếu được áp dụng ở quy mô lớn vì nhà sản xuất sẽ giảm giá khi mua bóng đèn với số lượng lớn.
Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Trong các đại dương, các loại rùa biển, đặc biệt là rùa biển xanh, là một trong số ít các loài động vật ăn cỏ biển mọc ở các vùng đáy biển.
Cỏ biển không được để mọc quá dài, và đây là khu vực cần thiết cho nhiều loài cá và sinh vật biển khác. Thảm cỏ biển mất đi sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền, tác động tiêu cực đến đời sống của rất nhiều loài sinh vật biển và con người.
Rất nhiều loài rùa biển đã chọn vùng bờ biển Peru làm nơi trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Trong đó có các loài đặc biệt quý hiếm như rùa biển xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa, rùa luýt.
Peru sở hữu một đội tàu đánh bắt hải sản có quy mô rất lớn. Ước tính lượng lưới bắt cá mà đội tàu này tung ra có thể kéo dài hơn 100.000 km mỗi năm. Vì thế sẽ có hàng ngàn con rùa biển quý hiếm bị mắc vào lưới và chết ngạt do hoạt động khai thác hải sản của người dân.
Khi tiến hành nghiên cứu, các nhà sinh vật học đã sử dụng 114 cặp lưới, mỗi cặp có chiều dài khoảng 500 mét. Sau đó họ sẽ chia số lưới này thành hai phần bằng nhau.
Nhóm lưới thứ nhất được gắn đèn LED theo dọc chiều dài của lưới. Nhóm lưới thứ hai sẽ để như bình thường và không gắn đèn LED. Kết quả cho thấy tỷ lệ rùa biển bị mắc lưới ở nhóm 1 là 62 con mỗi đêm. Trong khi đó tỷ lệ này ở những tấm lưới thông thường không gắn đèn là 125 con.
Các nhà khoa học hiện đang tích cực làm việc với Tổng cục thủy và hải sản Peru để đưa phương pháp này áp dụng trên diện rộng. Bên cạnh đó, họ cũng đang thử nghiệm nhiều loại đèn khác nhau để tìm xem loại ánh sáng nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
"Cho đến hiện nay, đây là phương pháp có giá thành rẻ và hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ các loài rùa biển mà vẫn không ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân”, Tiến sĩ Mangel, viện trưởng Viện bảo tồn môi sinh Darwin có trụ sở đặt tại Peru cho biết.
"Các loài rùa biển sống ở phía đông Thái Bình Dương là một trong những quần thể sinh vật dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ giúp làm giảm tỷ lệ rùa bị đánh bắt và nhờ đó bảo tồn cũng như phục hồi giống loài đang trên bờ vực tuyệt chủng này”.