Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành không gian học tập

GD&TĐ - Di sản được sử dụng như tài nguyên trực quan để truyền dạy kiến thức, kỹ năng, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa... của học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trải nghiệm tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) trải nghiệm tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: TG

Khám phá không gian di sản

Trong khuôn khổ chương trình trải nghiệm thực tế năm học 2023 - 2024, học sinh Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội có buổi sinh hoạt ý nghĩa tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hành trình ý nghĩa này giúp các em khám phá lịch sử, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.

Ở không gian cổ kính, linh thiêng, trước thềm điện Kính Thiên, học sinh thực hiện nghi lễ dâng hương bày tỏ lòng biết ơn các vị tiên đế có công gây dựng Kinh thành Thăng Long, đồng thời thể hiện sự quyết tâm phấn đấu, nỗ lực trong năm học mới. Cùng đó, các em hào hứng tham gia hoạt động thú vị để tăng cường sự kết nối như: Cùng nhau làm đồ chơi truyền thống, chụp ảnh kỷ niệm, giao lưu với tập thể lớp khác.

Tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) tham gia chương trình giáo dục di sản với tên gọi “Lớp học xưa”. Các em được tìm hiểu về không gian học tập của học trò thời xưa, với chõng tre, phản gỗ, bút lông, mực tàu, từ đó chỉ ra điểm giống và khác nhau của hai không gian học tập hiện tại và quá khứ.

“Lớp học xưa” càng sôi nổi hơn khi học sinh trải nghiệm làm sĩ tử, học cách mài mực, viết bút lông trên giấy dó, thử làm tranh dân gian, in chữ, hoa văn trên mộc bản bia tiến sĩ. Những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân sẽ theo các em về nhà như một món quà lưu niệm, nhắc nhở những điều thú vị có được từ lớp học đặc biệt.

Phạm Duy Nam – học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tham gia chương trình vì muốn tìm hiểu xưa kia cha ông ta học thế nào, dụng cụ học tập ra sao, chữ gì. Qua việc tìm hiểu thông tin, ghi chép hoạt động trải nghiệm Nam đã hiểu tinh thần học tập, vượt khó, nhẫn nại và đầy ý chí của học trò thời xưa.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc - Tử Giám cho biết: Hiện trung tâm duy trì hơn 30 chủ đề giáo dục di sản. Các chủ đề xây dựng theo phương pháp mới, nội dung sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp từng lứa tuổi như: Khám phá bia tiến sĩ, thi hương, hội, đình, vinh quy bái tổ, kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các.

Để hoạt động giáo dục di sản chuyên nghiệp hơn, Trung tâm tổ chức không gian “Trải nghiệm cùng di sản”, trang bị đầy đủ điều kiện như: Bàn, ghế, máy chiếu, máy tính… Nhờ vậy, hoạt động khuyến học tại đây ngày càng đi vào nền nếp, giúp học sinh nhận thức những giá trị tốt đẹp từ truyền thống văn hóa, lịch sử, qua đó hình thành thái độ đúng đắn, thêm trân trọng di sản văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội dự chương trình giáo dục di sản tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TG

Học sinh Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội dự chương trình giáo dục di sản tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TG

Nâng cao hiệu quả giáo dục

Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất ký kết thoả thuận hợp tác giáo dục di sản nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức lịch sử Thăng Long - Hà Nội gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế tại di tích, từng bước đưa di sản vào trường học.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh được ngành Giáo dục và hệ thống chính trị quan tâm. Thành phố có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, là nguồn tài nguyên quý báu trong công tác giáo dục học sinh.

Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất thỏa thuận hợp tác tăng cường giáo dục di sản cho học sinh. Các đơn vị quản lý di tích, quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà trường đưa học sinh đến học tập, tìm hiểu lịch sử truyền thống dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025, trường học trên địa bàn Hà Nội tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học vào thời gian thích hợp.

Một yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội là các nhà trường hạn chế tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm di tích, địa điểm xa; có thể thực hiện ở di tích ngay tại địa phương mình sinh sống, học tập và trên cơ sở bảo đảm tốt nhất lợi ích người học.

“Hà Nội là cái nôi của di tích lịch sử văn hóa, không chỉ nhân dân cả nước mà du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu. Vì lẽ đó, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn Thủ đô tổ chức cho học sinh trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Ủng hộ chương trình giáo dục di sản của Sở GD&ĐT Hà Nội, cô Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho rằng, nhiều học sinh Hà Nội chưa biết rõ, thậm chí chưa một lần đặt chân đến di tích lịch sử văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trong khi đó, nhiều trường lại tổ chức cho các em đi tham quan ở tỉnh xa. Chưa nói đến chi phí, việc tổ chức đi trải nghiệm các tỉnh cách Hà Nội đến vài trăm cây số khiến phụ huynh lo lắng về sức khỏe cũng như sự an toàn của con em.

Vì vậy, khi ngành Giáo dục Hà Nội triển khai chương trình giáo dục di sản, ký kết với các đơn vị, di tích tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ từ thầy cô giáo, phụ huynh, nhất là trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018, các nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh trú ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều trường học cho học sinh trải nghiệm ở xa khiến phụ huynh không yên tâm. Nay có chương trình giáo dục di sản của Hà Nội, tôi mong những địa điểm được nhà trường lựa chọn sau này sẽ ở gần nhà. Điều này vừa tăng hiểu biết cho học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, vừa đảm bảo an toàn vì quãng đường di chuyển ngắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.