Điện Kremlin phản ứng về việc Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan

GD&TĐ - Nga sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo sự cân bằng trong phản ứng với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan đòi hỏi Nga phải áp dụng các biện pháp thích hợp để duy trì sự cân bằng.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng bằng cách đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan, Mỹ đang đưa cơ sở hạ tầng quân sự của mình đến gần Nga hơn trong nỗ lực hạn chế tiềm năng của nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin nhớ lại trong thời kỳ Tổng thống George W. Bush lãnh đạo Mỹ (2001 – 2009), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán, trong đó ông bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Mỹ khi thiết lập các địa điểm phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

"Vào thời điểm đó, chúng tôi lập luận rằng tuyên bố của Mỹ về các kế hoạch này nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran là sai sự thật, khẳng định rằng chúng nhằm mục đích kiềm chế tiềm năng của Nga về mặt quân sự ngay từ đầu", người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố.

Ông nói thêm rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại ở Ba Lan "xác nhận lập trường của Tổng thống Putin", vì các kế hoạch của Mỹ "tiếp tục tiến triển".

Trước đó, lễ đưa vào hoạt động chính thức của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore, do Mỹ xây dựng tại làng Redzikowo ở miền bắc Ba Lan, được cho là diễn ra ngày 13/11.

Người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan Jacek Siewiera cho biết đây là căn cứ của Hải quân Mỹ, nhưng trực thuộc NATO và Bộ Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Mỹ tại Châu Âu, EUCOM.

Cơ sở Aegis Ashore tại Redzikowo là một phần của chương trình EPAA (Phương pháp tiếp cận thích ứng theo giai đoạn của châu Âu) về việc triển khai theo giai đoạn các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Hệ thống này cũng bao gồm các tàu được trang bị radar Aegis có trụ sở tại Rota, Tây Ban Nha, một trạm radar AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ (trong tình trạng báo động từ năm 2011) và một cơ sở Aegis Ashore khác tại căn cứ Deveselu ở Romania.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ