Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào thị trường bán lẻ tiềm năng ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai gần. Riêng tại TP Hà Nội, trong hai năm gần đây, hàng loạt các TTTM quy mô lớn khai trương như Vincom Times City, Vincom Royal City, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Aeon Mall và mới đây nhất là Vincom Phạm Ngọc Thạch,…
Dù phát triển nhanh và mạnh nhưng có thể nhận thấy mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ đang ngày càng khốc liệt, nhất là phân khúc bán lẻ hàng cao cấp tại các TTTM.
Điều đáng nói là, hàng hóa bán ra trong một số TTTM cao cấp đang có sự mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, khiến không ít hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có khả năng trà trộn vào hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng (NTD).
Để an tâm, NTD đang thay đổi thói quen mua sắm bằng việc ngồi ở nhà lên mạng in-tơ-nét chọn mua hàng hiệu xách tay với giá cả phải chăng, bảo đảm chất lượng nguồn hàng, thay vì phải đến các TTTM để mua với mức giá đắt đỏ hơn dù cùng một chủng loại hàng hóa mà chưa chắc chất lượng đã xứng với số tiền bỏ ra.
Điều này đã khiến nhiều thương hiệu bán lẻ đặt mặt bằng tại TTTM không đạt chỉ tiêu doanh số kinh doanh và họ dần chọn cách “ra đi”.
Kéo theo đó, khi công suất thuê mặt bằng bán lẻ thấp sẽ khiến nhiều TTTM trong vài năm gần đây phải lần lượt đóng cửa, tái cấu trúc hoặc bán lại cho các nhà đầu tư khác như TTTM Grand Plaza, Hang Da Galleria, Mipec Mall, Parkson Keangnam, Parkson Paragon và ngày 15/12 tới đây, TTTM Parkson Thái Hà cũng sẽ đóng cửa sau tám năm hoạt động.
Hiện còn nhiều TTTM đang kinh doanh nhưng cũng trong cảnh đìu hiu ngay cả trong những ngày cuối tuần, khiến các nhà đầu tư không khỏi hoang mang lo lắng về “bức tranh” ảm đạm của phân khúc bán lẻ cao cấp này.
Một trong những lý do chính khiến mặt bằng của những TTTM dư thừa là do sự xuất hiện quá nhiều khu thương mại cao cấp. Nếu trước kia chỉ có một vài TTTM cao cấp thì nay có thể thấy ở khắp nơi.
Trong khi đó, nhu cầu mua sắm của người dân giảm đáng kể từ vài năm trở lại đây. Nhiều NTD cho biết, khi vào TTTM, họ chỉ sẵn sàng mua các sản phẩm với mức giá rẻ hơn thay vì bỏ ra một số tiền lớn nhưng chỉ được một sản phẩm.
Đã đến lúc các TTTM phải quan tâm khả năng chi trả thực tế của NTD qua từng thời kỳ khác nhau vì đây chính là chìa khóa để tồn tại.
Cùng với đó, thay vì các TTTM cho thuê mặt bằng nhỏ lẻ để bán các sản phẩm cao cấp thì nên linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ.
Nên tìm và tạo thêm nhiều ưu đãi về giá thuê cũng như vị trí mặt bằng để thu hút các thương hiệu bình dân, giá rẻ, từ đó sẽ giúp các TTTM ổn định doanh thu để hoạt động.