Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất những việc tổ chức và cá nhân không được làm đối với nhà giáo

GD&TĐ - Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm với nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Ảnh: giaoducthoidai.vn.
Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Ảnh: giaoducthoidai.vn.

Quyền, nghĩa vụ của nhà giáo

Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những việc không được làm theo hướng tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo.

Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; Các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng, quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.

Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

banhcuonthanhtrijpg6-4829-7855.jpg
Một hoạt động trải nghiệm của Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh

Dự thảo mới được điều chỉnh, cập nhật các quy định về chức danh nhà giáo theo hướng ngắn gọn, các quy định chi tiết được hướng dẫn tại văn bản dưới luật.

Đối với việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo: Theo quy định hiện nay, cơ bản viên chức vẫn đang được xếp lương theo trình độ đào tạo, gắn với hạng chức danh nghề nghiệp. Nhà giáo cũng là viên chức nên bảng lương nhà giáo đang thực hiện theo bảng lương chung của viên chức.

Mặc dù Đề án cải cách tiền lương mới đã định hướng việc trả lương theo vị trí việc làm nhưng tại thời điểm hiện nay, quy định về hệ thống tiền lương viên chức vẫn đang thực hiện theo trình độ đào tạo gắn với hạng chức danh nghề nghiệp.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của nhà giáo, các quy định về chức danh nghề nghiệp gắn với hạng chức danh nghề nghiệp cơ bản sẽ thực hiện thống nhất như hiện hành.

Tuy nhiên, vì đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo bao gồm cả nhà giáo ngoài công lập nên việc áp dụng quy định hạng với nhà giáo ngoài công lập cần có các thiết kế riêng. Vì vậy, tại dự thảo mới, những nội dung quy định cụ thể về xếp hạng, bổ nhiệm hạng sẽ được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật.

Một trong những quan điểm, định hướng quan trọng của Luật Nhà giáo là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Với hệ thống chức danh, nhà giáo trong công lập và ngoài công lập sẽ thực hiện thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí chung đảm bảo đồng bộ, đáp ứng chất lượng chung để thực hiện nhiệm vụ.

Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục có chất lượng được thực hiện bởi những nhà giáo có chất lượng như nhau không phân biệt công/tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.