Dự thảo chương trình GDPT tổng thể: Xây dựng trên nền tảng triết lý GD con người toàn diện

GD&TĐ - “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi thể hiện tính hệ thống, được đầu tư xây dựng công phu, cẩn thận, thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ của nhóm biên soạn. 

Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên dựa trên nền tảng triết lý giáo dục con người toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên dựa trên nền tảng triết lý giáo dục con người toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ

Điểm mới lần này là có sự tham khảo, so sánh với CTGD các nước; giảm bớt tính hàn lâm, chú trọng ứng dụng; có tính phân biệt rõ ràng giữa giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; đề cao giáo dục tích hợp…”, PGS.TS Võ Văn Minh – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - nhận định.

Lấy triết lý giáo dục con người toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ làm nền tảng

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, giáo dục cốt yếu là giúp trẻ em sống hạnh phúc, vui vẻ và chuẩn bị những bước đi vững chắc để bước vào đời một cách tự tin và có trách nhiệm; giúp cho thanh thiếu niên có thể tự sống được bằng chính bàn tay và khối óc, tự chủ, không bị phụ thuộc, biết tự bảo vệ mình và biết bảo vệ lẽ phải, biết phát huy những tiềm năng của mình và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.

Do vậy, giáo dục phải bắt đầu từ những vấn đề thực sự căn bản nhất. Giáo dục là một quá trình tác động liên tục, lâu dài chứ không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn được. Chính vì vậy, đổi mới giáo dục cần phải xác định “3 kiên”: KIÊN ĐỊNH (mục tiêu)– KIÊN TRÌ (thực hiện)– KIÊN QUYẾT (đổi mới).

Muốn vậy, phải thông tư tưởng cho toàn xã hội với một triết lý căn bản nhất, gần gũi nhất đó là mục tiêu hướng đến xây dựng con người “Chân -  Thiện - Mỹ”. Giáo dục bắt đầu từ những vấn đề xung quanh cá nhân, cộng đồng, từ những vấn đề đơn giản nhất đến phức tạp.

Do vậy, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phải thiết kế cẩn thận, theo từng nấc thang nhận thức để người học có leo lên từng thang bậc và tự chiếm lĩnh tri thức. Khi đó, chắc chắn người học sẽ tìm thấy niềm vui trong học tập, tự tin và có cơ hội phát triển bản thân.

PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: Quan điểm của tôi, khi xây dựng chương trình đào tạo cần phải tiếp cận xác định chuẩn đầu ra về nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu nhân lực,… nhưng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên dựa trên nền tảng triết lý giáo dục con người toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ. Nếu chúng ta xây dựng được nền tảng con người vững chắc thì sẽ có nguồn lực vững chắc.

PGS.TS Võ Văn Minh bày tỏ: Trước hết, giáo dục phổ thông là nhiệm vụ của ngành giáo dục nhưng không chỉ có ngành giáo dục mới thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông. Do vậy, phải xác định triết lý giáo dục làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho toàn xã hội biết và cùng tham gia. Tôi đề nghị lấy triết lý giáo dục chỉ gồm 3 từ: “CHÂN – THIỆN – MỸ”.

Đối với dân tộc Việt Nam, 3 từ này không lạ, dễ hiểu, dễ nhớ và rất căn bản. CHÂN: Hướng đến chân thật, chân lý (bao hàm trung thực & tôn trọng khoa học); THIỆN: Hướng thiện tránh ác; MỸ: Hướng đến cái đẹp. 3 từ này cũng có tính phổ quát về giáo dục ở tất cả các nước trên thế giới. Dẫu cho thế giới có thay đổi kiểu gì đi nữa thì mục tiêu giáo dục con người theo tôi vẫn vậy.

Thứ hai, đối với giáo dục của Việt Nam hiện nay, cần xác định phương châm hành động là: “THỰC HỌC – THỰC DANH – THỰC NGHIỆP”.

Thứ ba, nên gộp thành một số lĩnh vực giáo dục có tính chất nền tảng ở CTGD PT tổng thể, những nội dung theo hướng phân hóa, cụ thể sẽ được trình bày trong chương trình chi tiết và sách giáo khoa.

Đội ngũ giáo viên cần đổi mới tư duy giáo dục

PGS.TS Võ Văn Minh kiến nghị: Về sách giáo khoa, chỉ cần 7 bộ tài liệu cho mỗi bậc học (tổng số 7x3 = 21 bộ sách chuẩn) được xây dựng công phu thể hiện tính liên thông giữa các bậc học, lớp học. Sách phải thể hiện rõ mục tiêu cần đạt được của từng bậc, từng lớp, từ phần,… thiết kế theo kiểu hướng dẫn học, tự rèn luyện,…

Có thể có nhiều bộ SGK được xây dựng dựa trên CTGD tổng thể và phù hợp theo từng vùng miền. Các trường có thể chọn bộ sách phù hợp nhất. Giáo viên có quyền sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp để giảng dạy đối với từng nhóm đối tượng, từng lớp, từng bài nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Về đánh giá kết quả, cần tiếp cận đánh giá quá trình và dựa trên năng lực, hạn chế thi cử nặng nề. Hoạt động dạy – học nhất thiết phải có hồ sơ giống như bệnh án. Giáo viên có quyền quyết định việc dạy và đánh giá người học giống như bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân. Phải đảm bảo cho giáo viên đủ thời gian thực hiện công việc và tự chịu trách nhiệm. Có cơ chế giám sát theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch.

Nhà trường phải là môi trường dân chủ điển hình nhất của xã hội. Kết quả đánh giá từng hoạt động sẽ được tích lũy để đánh giá kết quả cuối năm. Kết thúc THCS sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành CTGD cơ bản; kết thúc THPT sẽ cấp chứng nhận hoàn thành CTGD PT. Căn cứ vào năng lực (trong hồ sơ) GV sẽ định hướng, giới thiệu cho HS đăng ký vào các trường/ ngành đại học, CĐ phù hợp để HS lựa chọn và quyết định.

PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất: Năm 2017- 2018, Ban Biên soạn dự thảo cần tập trung nghiên cứu kỹ và hoàn thiện chương trình GDTT chi tiết; tham vấn ý kiến giáo viên các cấp cũng như các chuyên gia giáo dục. Trên cơ sở đó, thành lập Hội đồng thẩm định làm căn cứ thông qua chương trình. Thành lập các đoàn chuyên gia xuống cơ sở thu thập ý kiến, đối thoại,… để thông tư tưởng đổi mới một cách triệt để nhất ở cấp cơ sở.

Năm 2018-2019: Đặt hàng viết ít nhất từ 3-4 bộ SGK (tương ứng đến các vùng miền đặc thù); Rà soát, xây dựng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên; truyền thông cho toàn xã hội thấu hiểu và cùng tham gia.

Năm học 2019 – 2020: bắt đầu áp dụng với lớp 1. Cứ thế kéo dài 12 năm liên tiếp sẽ đổi mới toàn bộ hệ thống. Thành lập ủy ban quốc gia giám sát quá trình đổi mới để kịp thời điểu chỉnh, giải quyết những bất cập, phát sinh..

Dự thảo chương trình GDPT tổng thể: Xây dựng trên nền tảng triết lý GD con người toàn diện ảnh 1PGS.TS Võ Văn Minh 
PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất nên tập trung 7 môn học hay 7 lĩnh vực chính như sau:

1. Giáo dục thể chất: Đề cập đến thể dục, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, an toàn, giới tính,… Muốn phát triển trí tuệ, học sinh phải khỏe, phải biết cách thích ứng, tồn tại,… chính vì vậy phải xác định đây là vấn đề giáo dục căn bản.

2. Văn học - Nghệ thuật: Giáo dục cảm nhận được cái hay, cái đẹp từ văn học, âm nhạc, mỹ thuật, hội họa,... Đời sống tinh thần là cái hồn, không được xem nhẹ. Ngoài ra, thông qua văn học, âm nhạc, mỹ thuật để giáo dục môi trường, an toàn, giới tính, đạo đức, tình yêu thiên nhiên, con người, gia đình, quê hương, đất nước,... đây là phương pháp giáo dục tích hợp hiệu quả nhất.

3. Ngôn ngữ: Phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ (Tiếng Việt, Tiếng dân tộc) và Ngoại ngữ (Tiếng Anh & ngoại ngữ thứ 2) xung quanh các chủ đề cuộc sống để cá nhân sử dụng đúng, hiệu quả,… Ngoài ra, thông qua ngôn ngữ để giáo dục môi trường, an toàn, giới tính, đạo đức, tình yêu thiên nhiên, con người, gia đình, quê hương, đất nước,…

4. Toán học: Phát triển năng lực tính toán, phát triển tư duy logic,… cũng như ứng dụng toán học trong các lĩnh vực của cuộc sống.

5. Khoa học: Ở tiểu học nên gọi khoa học & đời sống; trung học cơ sở phân thành KHTN & KHXH; THPT phân hóa thành các phân môn Lý – Hóa – Sinh; Sử - Địa – Kinh tế.

6. Công nghệ & nghề nghiệp: Tìm hiểu về các công nghệ ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày; giáo dục nghề nghiệp; phát triển sáng tạo KH-KT.

7. Giáo dục đạo đức: Giáo dục triết lý sống, giá trị sống; thái độ ứng xử với bản thân, với xã hội (gia đình, bạn bè, thầy cô,…), với quê hương, đất nước và với môi trường tự nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.