Cần sản phẩm hấp dẫn
Năm Du lịch quốc gia 2019 với chủ đề “Nha Trang - Sắc màu của biển” vừa được công bố. Có thể thấy, từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2003 cho đến nay, Năm Du lịch quốc gia đã và đang tạo nên nhiều điểm nhấn cho du lịch Việt Nam, thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước thông qua nhiều hoạt động xúc tiến du lịch hấp dẫn, mới lạ nhưng vẫn mang đậm bản sắc và hơi thở văn hóa Việt cũng như văn hóa bản địa ở từng địa phương đăng cai tổ chức.
Từ những hiệu quả tích cực ấy, thời gian gần đây, ngành Du lịch đạt được nhiều thành quả tích cực. Nhiều dự án có quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Điều này làm tăng thêm nội lực của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa.
Việc Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng là điều đáng ghi nhận cho sự phát triển của du lịch Việt. Đó là dấu ấn hết sức quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2018. Tuy nhiên báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, những thành quả ấy mới chỉ là bước đầu.
Dù tăng trưởng 30% và đã đón hơn 15 triệu lượt khách quốc tế, nhưng nhìn sang những nước bên cạnh như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí cả Indonesia, chúng ta vẫn còn thua kém nhiều. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam còn thấp và tính dự báo chưa tốt? Tầm nhìn chiến lược trong phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới nên như thế nào?
Trong “Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu: “Năm 2020, Việt Nam sẽ đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
Một trong những vấn đề dễ nhận thấy nhất là du lịch Việt thiếu các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn, lâu dài, bền vững và có sức cạnh tranh cao. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa trong việc tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dấu ấn Việt Nam - TS Hồ Xuân Dũng cho rằng, sản phẩm du lịch không phải là sản phẩm văn hóa đơn thuần mà là sự kết hợp của thương mại - dịch vụ - văn hóa mà ở đó nhu cầu vui chơi, thưởng thức nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực vùng miền, mua sắm được hòa lẫn vào nhau một cách hợp lý để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận du khách.
Phá “điểm nghẽn” mấu chốt
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, nguồn nhân lực có lẽ là “điểm nghẽn” cơ bản của du lịch Việt Nam hiện nay. Khi chúng ta tăng trưởng về số lượng khách du lịch, lẽ ra phải có nguồn nhân lực trước tiên đáp ứng đủ số lượng đó, nhưng dường như chúng ta không tăng trưởng kịp tốc độ tăng trưởng du khách.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng không đáp ứng yêu cầu, chưa đủ các kỹ năng cần thiết, doanh nghiệp hầu như phải đào tạo lại. Vì vậy, có thể nói nguồn nhân lực là điểm mấu chốt sắp tới cần quan tâm. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, để vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa bảo đảm nhu cầu lâu dài về nguồn nhân lực đủ trình độ và kỹ năng.
Về những vấn đề “níu” sự phát triển của du lịch Việt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cũng thừa nhận, vấn đề visa và hàng không quyết định tới việc khách lựa chọn các điểm đến nhưng đây đang là “điểm nghẽn” của Việt Nam.
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi, trên nhận thức rõ vai trò của du lịch. “Chúng ta có tiềm năng khá mạnh, nếu có chính sách cởi mở hơn sẽ tạo bệ phóng cho du lịch. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi nhất cho khách du lịch; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không, doanh nghiệp nhà ga, sân bay... để thu hút khách đến Việt Nam”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.