Ngày mai (17/10) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần trước ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Tính chung trong tuần qua, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng hơn 1%.
Nhưng sang tuần này, giá dầu giảm liên tiếp ở hai phiên giao dịch đầu tuần, với mức giảm hơn 2% ở phiên 14/10 và hơn 4% ở phiên 15/10. Giá dầu lao dốc sau khi có thông tin Israel sẽ không tấn công các cơ sở dầu thô hoặc hạt nhân của Iran.
Đầu phiên giao dịch 16/10, giá dầu quay đầu tăng nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h06' ngày 16/10 (giờ Việt Nam), so với phiên liền trước, giá dầu Brent ở mức 74,51 USD/thùng, tăng 0,35%; giá dầu WTI ở mức 70,87 USD/thùng, tăng 0,41%.
Tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua giảm khá mạnh so với kỳ trước.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội nhận định, trong kỳ điều chỉnh ngày mai (17/10), giá xăng trong nước dự kiến sẽ giảm nhẹ,m khoảng 100 - 150 đồng/lít.
Trong khi đó, các loại dầu sẽ giảm mạnh hơn, khoảng 200 - 230 đồng/lít, tùy loại.
Trường hợp liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ khó xảy ra, vì Quỹ bình ổn đã “đóng băng” gần 1 năm trở lại đây.
Nếu đúng như dự báo, thì giá xăng sẽ giảm trở lại sau khi tăng mạnh vào tuần trước.
Dù vậy, giá nhiên liệu này ở mức thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương thời điểm cuối tháng 6/2021.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần; dầu diesel có 18 lần tăng và 21 lần giảm.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 10/10, cơ quan điều hành quyết định tăng 990 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 19.840 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.260 đồng/lít, lên mốc 21.060 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel tăng 11.100 đồng/lít, lên 18.500 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên mức 18.790 đồng/lít; dầu mazut tăng lên 15.910 đồng/kg.