Dự án sen Huế của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế được Bộ Ngoại giao Bungari tài trợ

GD&TĐ - Vừa qua, tại Đại sứ quán Bungari ở Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận tài trợ giữa Bộ Ngoại giao Bulgari và Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (HUAF).

Đại sứ Bungari tại Việt Nam - Bà Marinela Petkova và PGS.TS. Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng HUAF ký Thỏa thuận tài trợ
Đại sứ Bungari tại Việt Nam - Bà Marinela Petkova và PGS.TS. Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng HUAF ký Thỏa thuận tài trợ

Thỏa thuận tài trợ này nhằm hiện dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế”.

Thỏa thuận tài trợ được ký bởi Đại sứ Bungari tại Việt Nam - Bà Marinela Petkova thay mặt Bộ Ngoại giao Bulgaria và PGS.TS. Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng, thay mặt HUAF.

Dự án “Đa dạng hóa sản phẩm hoa sen bản địa kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Mô hình xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ nông thôn ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế” được thực hiện tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng giá trị dự án là hơn 35 ngàn Euro, trong đó hơn 30 ngàn Euro (86%) được tài trợ theo nguồn vốn ODA của Bungari. Thời gian thực hiện là 24 tháng, bắt đầu từ ngày 2/4/2021.

Dự án hướng đến các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương ở xã Phong Bình, với mục tiêu khuyến khích đa dạng hóa sinh kế, tạo thu nhập mới và cơ hội việc làm độc lập, đồng thời xây dựng nghề nông nghiệp truyền thống là trồng sen và các nghề thủ công liên quan.

Mục tiêu của dự án là giúp phụ nữ nông thôn nâng cao năng lực trong sản xuất và tiếp thị các sản phẩm từ sen địa phương, được thực hiện thông qua một chuỗi hoạt động - các khóa đào tạo, tập huấn và hội thảo thực địa, xây dựng nhà kho và địa điểm dự án cố định, mua sắm thiết bị.

Dự án tiếp tục tìm cách áp dụng và giáo dục về thực hành nông nghiệp thân thiện với khí hậu và tiến bộ công nghệ liên quan đến sản xuất sen đại trà. Dự án cũng hướng đến ​​một kết quả bền vững hơn nữa bằng cách giới thiệu các công cụ thực hành để phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào hoa sen.

Ông Nguyễn Văn Huế, Phó Trưởng khoa Cơ khí-Công nghệ trường ĐH Nông Lâm Huế (Đại học Huế) - chủ nhiệm Dự án cho biết: “Sen là quốc hoa của Việt Nam, và ở Huế văn hóa ẩm thực lâu đời đã có liên quan tới sen. Dự án của chúng tôi nhằm bảo tồn, phát triển giá trị của sen Huế và nâng cao sinh kế người trồng sen Huế.

Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Bungari cho dự án, sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng sen, đặc biệt là phụ nữ khu vực trồng và chế biến sen Huế. Sen Huế là nông sản có giá trị, từ ngó, củ, thân, lá, hoa, hạt sen đều sử dụng được nên dự án sẽ phát triển chuỗi giá trị sen mới. Hình ảnh sen Huế luôn đẹp và gắn liền với món ăn ngon chế biến từ bàn tay con gái Huế từ lúc trồng sen tới khi thu hái và chế biến. Chính vì vậy mà với sự tài trợ của phía Bungaria cho dự án, sen Huế sẽ mở ra thị trường mới, với giá trị mới, phát triển đời sống người phụ nữ Huế gắn với sen.”

Dự án có tính bao trùm và có sự tham gia của nhiều bên liên quan - các nhà nghiên cứu (HUAF), chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội (Hội Phụ nữ địa phương), các công ty và cộng đồng. Được biết, đối tác thực hiện dự án là công ty TNHH Thực phẩm thiên nhiên Hoàng Gia Việt Nam (một công ty được thành lập theo mô hình khởi nghiệp của sinh viên), là đơn vị sẽ thu mua nguyên liệu đầu ra của dự án và phát triển thương mại. Công ty Hoàng Gia Việt Nam cũng đã có sản phẩm trà hoa sen Huế đã thương mại từ chuyển giao của trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế.

Phát biểu trong Lễ ký Thỏa thuận, Bà đại sứ Bungari Marinela Petkova cho biết: “Việc phát triển nông nghiệp bền vững ở các vùng nông thôn Việt Nam và trao quyền kinh tế cho phụ nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc cải thiện mức sống trên cả nước. Dự kiến, phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm với xã hội của dự án có thể có tác động nhân lên đối với các cộng đồng trong khu vực, do đó tạo ra một mô hình kinh tế địa phương bền vững.”

Dự án sẽ hỗ trợ 4 khóa đào tạo, một chuyến đi thực địa và hai hội thảo. Cụ thể: thành lập trường dạy nghề cho nông dân; xây dựng nhà kho kiên cố; mua sắm trang thiết bị (máy sấy, máy tách vỏ) hạt sen chất lượng cao; đăng ký nhãn sen địa phương, v.v.

Dự án nhắm đến đối tượng 30 phụ nữ ở xã Phong Bình, ưu tiên hộ nghèo và hộ bán nghèo trong quá trình xét chọn; Khảo sát tình hình trồng sen và thị trường tiêu thụ sản phẩm từ sen. Kết quả dự án sẽ được báo cáo trong một bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.