Dự án nghìn tỷ Ethanol Phú Thọ bị “ép phải chết” như thế nào?

Dự án nghìn tỷ Ethanol Phú Thọ bị “ép phải chết” như thế nào?

Nghìn tỷ “chôn” cùng phế liệu

Năm 2009 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, ngành dầu khí đã đầu tư và tiến hành khởi công rầm rộ dự án nhà máy sản xuất Ethanol sinh học với tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, diện tích đầu tư trên 50 ha. Người dân trong vùng dự án cũng kỳ vọng thay đổi cuộc sống từ việc phát triển sản xuất (trồng sắn) cung cấp nhiên liệu cho nhà máy.

Nhưng dự án nhà máy sản xuất Ethanol sinh học do liên doanh PVC-Alfa Laval làm Tổng thầu EPC, Công ty CP Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) quản lý đã nhanh chóng “chết yểu”. Dự án dừng hoạt động từ 2011 đến nay. Hiện các hạng mục công trình của dự án bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, thiết bị gỉ sét.

Kết quả điều tra cho thấy, tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ có QĐ phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025.

Tháng 10/2007, ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy Ethanol, giao cho Công ty TNHH MTV Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (PDC) xây dựng phương án thành lập Công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án với vốn điều lệ chiếm khoảng 30%. Phần vốn góp của PDC nhỏ hơn 30% các công ty thành viên khác của PVN.

Tháng 12/2007, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án. HĐQT của PVB gồm Nguyễn Phương Đông - Chủ tịch HĐQT, Vũ Thanh Hà, Nguyễn Thiện Bảo, Phạm Xuân Toàn là thành viên.

Tại gói thầu TK 05 “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy Ethanol Tam Nông, Phú Thọ, do biết Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm mà hồ sơ mời sơ tuyển quy định, Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch của PVC tham mưu để PVC có văn bản đề xuất PVB gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự tuyển và hạ một số tiêu chí. Nhưng đề nghị này không được chủ đầu tư và tổng thầu chấp thuận.

Sau đó, PVC lại có văn bản thông báo gửi chủ đầu tư về việc thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để tham dự gói thầu TK 05. Khi chấm thầu thì liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T được xác định là không đạt các tiêu chí về kỹ thuật, năng lực tư vấn thiết kế, xây dựng…

Các đối tượng Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm
 Các đối tượng Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn,
Hoàng Đình Tâm

Chỉ đạo giao dự án vào tay liên danh có năng lực… èo uột

Mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol, biết tình hình tài chính của PVC bết bát, nhưng Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, Đinh La Thăng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp định hướng giao thầu cho PVB thực hiện.

Căn cứ bút phê chỉ đạo của Đinh La Thăng và chủ trương phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành dầu khí của PVN, Nguyễn Doãn Toàn - Phó ban Quản lý đấu thầu PVN đã dự thảo để Trần Thị Bình - Phó Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học ký văn bản chỉ đạo với nội dung: Tổng giám đốc PVN đề nghị người đại diện phần vốn góp của PVN xem xét năng lực và nhu cầu thực tế giao PVC thực hiện gói thầu EPC theo hình thức chỉ định thầu.

Thực hiện chỉ đạo của các “sếp lớn”, PVB không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Từ tháng 9/2009 đến thời điểm vụ án được khởi tố (6/2018) PVB đã thanh toán cho PVC hơn 610 tỷ đồng, thanh toán cho Alfa Laval hơn 236 tỷ đồng. Từ tháng 3/2013 đến nay PVC đã đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào của dự án được bàn giao. Tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã sử dụng trên 1.467 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can là những người giữ vị trí chủ chốt, được Nhà nước tin tưởng giao cho quản lý vốn. Khi thực hiện các bị can đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế.

Bị can Đinh La Thăng được xác định là biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm. Dù vậy, vẫn chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 theo hình thức chỉ định thầu. Bị can Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội danh Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 224 Bộ luật Hình sự.

Tài liệu điều tra thể hiện trong quá trình điều tra, cá nhân ông Đinh La Thăng có thái độ thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, đề nghị cho áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.

“Ngoài ông Đinh La Thăng, trong vụ án này còn có 9 bị cáo khác bị đề nghị truy tố tội danh Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 224 Bộ luật Hình sự là: Vũ Thanh Hà - cựu Tổng Giám đốc PVB; Nguyễn Xuân Thủy - cựu Tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc về đấu thầu của PVB; Phạm Xuân Diệu - cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Tổng giám đốc PVC; Đỗ Văn Quang - cựu Tổ trưởng tổ lập hồ sơ đề xuất của PVC; Trần Thị Bình - cựu Phó Tổng giám đốc PVN; Khương Anh Tuấn - cựu Phó Trưởng phòng kinh doanh PVB; Lê Thanh Thái - cựu Trưởng phòng kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm - cựu Kế toán trưởng PVB” 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ