Đồng thuận xã hội cho một Kỳ thi thành công - những điều đọng lại

GD&TĐ - Khâu coi thi của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra thành công, nhẹ nhàng, nghiêm túc ở các cụm thi trên cả nước. PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên, Phó trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Bắc Kạn trực tiếp đưa đoàn cán bộ, giảng viên làm công tác coi thi hội đồng thi tại đây - đã có những chia sẻ về công tác phối hợp tổ chức thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Bắc Kạn.

Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ thi của Trường ĐH Khoa học trao học bổng cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức bữa cơm miễn phí tại huyện chợ Đồn. Ảnh: Việt Hà
Đoàn cán bộ làm nhiệm vụ thi của Trường ĐH Khoa học trao học bổng cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức bữa cơm miễn phí tại huyện chợ Đồn. Ảnh: Việt Hà

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, ông đánh giá như thế nào về thành công ban đầu của Kỳ thi tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn?

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng: Đến nay có thể đánh giá rằng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, đó là an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế. Tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn, khâu tổ chức kỳ thi đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, của Đảng ủy ĐH Thái Nguyên, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho công tác coi thi.

Song song với đó các trường CĐ, ĐH có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng nên đến thời điểm này Trường ĐH Khoa học và trường CĐSP Cao Bằng đã phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn tổ chức các khâu coi thi thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng qui chế và an toàn tuyệt đối.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
 PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà
Ông đánh giá như thế nào về hình thức thi và vai trò của trường ĐH, CĐ trong phối kết hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Kỳ thi năm nay?
 Năm nay có những điểm mới: trọng tâm kiến thức thi thuộc chương trình lớp 12 và bám sát đề minh họa nên tạo cho thí sinh tâm lý yên tâm, thoải mái. Đề thi các môn đều vừa sức và không khó để đạt mức điểm trung bình. Sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh trước và trong kỳ thi đã tăng cường công tác bảo mật đề thi, bài thi tăng tính an toàn và sự thành công của kỳ thi.

Điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay thay đổi với tỷ trọng 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có); Giáo viên và học sinh đã ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi nên công tác ôn tập kiến thức, kỹ năng được chú trọng, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các em và gia đình cũng hết sức nghiêm túc.

Việc lắp đặt các camera an ninh giám sát nơi bảo quản đề thi, bài thi 24 giờ/ ngày tại điểm thi đã tạo được tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cho cán bộ phụ trách điểm thi và cán bộ coi thi. Những sự thay đổi đó đã tạo nên sự nghiêm túc, an toàn cho kỳ thi năm nay.

Trong phối hợp tổ chức kỳ thi của các đơn vị có nhiều khâu nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến một số điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia năm nay - so với năm 2018 đã sửa đổi bổ sung nhiều khâu trọng yếu; Trong đó có nội dung phải có 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại Điểm thi của trường ĐH, CĐ (Phó Trưởng Điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng làm nhiệm vụ coi thi tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Việt Hà
 PGS.TS Nguyễn Văn Đăng làm nhiệm vụ coi thi tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Việt Hà

Khi nhận nhiệm vụ, các Phó điểm trưởng cũng băn khoăn vì quy chế nhiều chỗ hướng dẫn chưa rõ, cơ sở vật chất ở các điểm thi còn khó khăn và chưa đồng bộ... Tuy nhiên, nhận thức được trách nhiệm của trường CĐ, ĐH là hỗ trợ địa phương và lãnh đạo nhà trường đã quán triệt rõ tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tới các trường: cùng với Sở GD&ĐT tổ chức nghiêm túc kỳ thi - nên các cán bộ của Trường đã hết sức trách nhiệm khi được phân công, họ chia sẻ khó khăn trong công tác bảo quản tuyệt đối đề thi, bài thi ở điểm thi.

Cũng xin nói thêm là theo quy định: phòng bảo quản bài thi, đề thi cửa sổ phải bịt kín, nhiều phòng kích thước rất nhỏ chỉ 5-6 m2 và không có điều hòa nên rất nóng bức, cộng với tâm lý căng thẳng, sức ép rất lớn nên nhiều cán bộ đã mất ngủ những đêm đầu. Điều đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng cán bộ của Trường ĐH Khoa học đã rất vui vẻ nhận nhiệm vụ và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo mật đề thi, bài thi an toàn theo đúng quy chế thi.

Vậy theo ông, hình thức thi, công tác phối hợp tổ chức kỳ thi như năm nay có nên tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo?

Không thể phủ nhận rằng, kỳ thi THPT quốc gia đang đi đúng hướng, ngày càng gọn nhẹ, thí sinh bớt căng thẳng, ít tốn kém, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Nhất là những vùng, miền khó khăn kỳ thi đã tạo được sự tiện lợi vô cùng lớn: đa số thí sinh được thi tại trường đang theo học nên tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh; đồng bào các dân tộc ở vùng núi còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức kỳ thi như năm nay sẽ bớt tốn kém phí tổn cho phụ huynh và xã hội. Nếu tổ chức kỳ thi đúng theo yêu cầu của quy chế đề ra: nghiêm túc, khách quan, công bằng - thì rất khả thi trong việc duy trì hình thức tổ chức kỳ thi như năm nay cho những năm tiếp theo.

Đoàn cán bô, giảng viên trường ĐH Khoa học làm nhiệm vụ coi thi tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Việt Hà
Đoàn cán bô, giảng viên trường ĐH Khoa học làm nhiệm vụ coi thi tại cụm thi tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Việt Hà

Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tăng quyền tự chủ và công tác tuyển sinh đại học là việc của các trường, khi đó nhu cầu tuyển sinh của nhiều trường sẽ không còn theo phương thức truyền thống nữa. Do đó về lâu dài quan điểm tổ chức, mục đích, nhiệm vụ của kỳ thi THPT quốc gia cũng phải thay đổi.

Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm trong kỳ thi mà qua đấy bạn đọc có thể hình dung được kỳ thi đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của phụ huynh, người dân và xã hội?

Qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại các điểm thi của tỉnh Bắc Kạn, có thể thấy rằng người dân dành sự quan tâm rất lớn đến kỳ thi. Người dân, phụ huynh đã có nhiều hoạt động thiết thực sẻ chia sự khó khăn, thiếu thốn không chỉ với giảng viên của các trường CĐ, ĐH ở xa về làm thi mà cả với ngành giáo dục sở tại trong tổ chức kỳ thi. Nhiều điểm thi người dân, phụ huynh đã tình nguyện chung tay hỗ trợ chỗ nghỉ và nấu ăn cho thí sinh ở xa.

Có điểm thi ở xã vùng sâu, vùng xa, chỗ ở đã khó khăn, còn không có chỗ ăn tập trung đảm bảo vệ sinh ATTP, nên đã cắt cử một số thầy cô, nhân viên tổ chức nấu ăn tại trường cho cán bộ, giáo viên làm thi; Các hội đoàn thể trong thôn, bản đã có kế hoạch huy động người dân, phụ huynh đến giúp nhà trường nấu nướng rất nhiệt tình. Khi chia tay, dân trong thôn bản rất bịn rịn.

Đấy là những tình cảm rất quý mà đồng bào dân tộc dành cho các thầy, cô, nhà trường đã nuôi dạy con em mình trở thành những người có chữ, có văn hóa trong bản, làng. Về phía giảng viên của trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên, khi coi thi ở vùng khó khăn đã rất chia sẻ những khó khăn với đồng bào các dân tộc trong sinh kế.

Giảng viên của trường đã tổ chức phụ đạo miễn phí cho gần 200 học sinh tại điểm trường THPT Phủ Thông, tổ chức trao học bổng và phát cơm miễn phí cho học sinh tại điểm thi huyện Chợ Đồn... Những hoạt động thiết thực đó từ phía người dân, phụ huynh và cả giảng viên đã toát lên hình ảnh một kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, được các tầng lớp nhân dân trong xã hội đồng thuận.

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ