Kết quả trên có được qua việc thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR 784 mẫu và test nhanh 1.365 mẫu. Cụ thể, liên quan đến một công ty thuỷ sản ở xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) có132 ca (hiện đang được cách ly tại khu điều trị F0 Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp), liên quan Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc có 1 ca (là bệnh nhân nằm viện tại Khoa Nội tổng hợp).
Tổng số mắc cộng dồn của tỉnh Đồng Tháp là 784 ca (tính từ ngày 24/6/2021). Kết quả truy vết (cộng dồn), số F1 là 3.003 trường hợp; số F2 là 6.600 trường hợp.
Tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành làm việc với một số sở, ngành liên quan để bàn phương án hỗ trợ cho các đối tượng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 152.000 đối tượng cần được xem xét hỗ trợ gồm người lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động (bán vé số, bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, phụ hồ), người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đồng Tháp quyết định thành lập điểm cách ly tập trung tại Nhà tạm giữ thuộc Công an huyện Cao Lãnh để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
UBND huyện Cao Lãnh đã thành lập khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường THCS Bình Thạnh (địa chỉ: Ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh), với số lượng tiếp nhận tối đa 150 người.
Từ ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp thực hiện tiếp nhận đặt lịch hẹn xét nghiệm SARS-CoV-2 qua điện thoại, không bắt số trực tiếp tại Trung tâm.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hoạt động giao thương nông sản, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng và tiềm năng của tỉnh như: Lúa, gạo, thủy sản, xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, thanh long, mít, ớt, hoa kiểng, ổi…