Đồng phục học sinh: Qui định theo đặc thù của quốc gia

GD&TĐ - Đồng phục học sinh được xem là cách để thúc đẩy sự bình đẳng xã hội giữa học sinh và là niềm tự hào của trường học. Đồng phục phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và mỗi nơi đều có những chuẩn mực riêng.

Học sinh Ghana được chính phủ hỗ trợ về đồng phục.
Học sinh Ghana được chính phủ hỗ trợ về đồng phục.

Châu Mỹ

Colombia: Phụ thuộc sở thích của Hiệu trưởng. Tại các trường công lập và tư thục, học sinh phải mặc đồng phục. Nó được phân thành hai loại: Đi học và  học môn về thể chất. Giày màu đen là đồng phục chung của tất cả học sinh. Đôi khi, giày có thể là màu đỏ hoặc xanh đậm. Đặc biệt, thiết kế và màu đồng phục thường được chọn theo sở thích của Hiệu trưởng.

Mexico: Không phân biệt trường công hay tư. Đồng phục là bắt buộc đối với hầu hết các trường công lập và tư thục ở Mexico. Tuy kiểu đồng phục các trường khác nhau, nhưng phải có phù hiệu trường trên sơ mi hoặc áo len.

Canada: Theo quy tắc riêng: Hầu hết, các trường công lập và một số trường chuyên biệt ở Canada không bắt buộc mặc đồng phục, ngoại trừ các ngày lễ hay trong các chuyến đi thực tế quốc tế của trường. Nhưng tại thành phố Quebec, Hội đồng nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Các trường trung học Công giáo, từ lớp 9 - 12, cũng yêu cầu đồng phục. Từ năm 2011, Hội đồng nhà trường đưa ra Quy tắc Đồng phục phù hợp với hai màu chủ đạo là xanh nước biển và trắng.

Đồng phục là bắt buộc đối với hầu hết học sinh ở Mexico.
Đồng phục là bắt buộc đối với hầu hết học sinh ở Mexico.

Châu Âu

Ba Lan: Bỏ đồng phục. Đồng phục học sinh không tồn tại ở Ba Lan vào đầu thế kỷ 20. Nhưng từ năm 2007, học sinh tiểu học và THCS phải mặc đồng phục. Riêng học sinh cấp THPT hoặc các tổ chức giáo dục khác tự quyết định về đồng phục. Việc chọn đồng phục tùy vào từng địa phương. Đồng phục học sinh thường là sơ mi hoặc áo khoác, do quản lý nhà trường quyết định, còn lại học sinh tự chọn. Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 đến ngày nay, đồng phục học sinh đã được bãi bỏ.

Nga: Nhiều tranh luận. Từ năm 1994 - 2013, học sinh không cần đồng phục. Tuy nhiên, tháng 9/2013 Luật Giáo dục mới buộc học sinh phải mặc đồng phục. Ngoài việc ủng hộ luật mới, có không ít bàn cãi xung quanh vấn đề này bao gồm sự bất bình đẳng xã hội, đồng phục có cần tuân theo tôn giáo truyền thống của trường hay không. Sau nhiều tranh luận, cuối cùng mỗi trường được tự quyết định về đồng phục.

Ở Đài Loan học sinh có thể tự thiết kế mẫu đồng phục.
Ở Đài Loan học sinh có thể tự thiết kế mẫu đồng phục.

Châu Phi

Burundi: Đồng phục làm tăng tình trạng nghèo đói. Học sinh bắt buộc mặc đồng phục, đây là chính sách có từ thời thuộc địa. Trước kia, con trai của các thủ lĩnh ở Burundi mặc đồng phục trắng, còn tất cả học sinh khác là vải kaki. Ngày nay, chính sách đồng phục vẫn còn hiệu lực và các trường có quyền quyết định vấn đề đồng phục. Có ý kiến cho rằng, đồng phục góp phần dẫn đến sự nghèo đói ở Burundi, nhất là ở nông thôn và ảnh hưởng không ít đến đến công tác tuyển sinh.

Ghana: Có chính sách hỗ trợ. Đồng phục học sinh trường công lập thường giống nhau, phù hiệu in chìm ở ngực bên trái, để phân biệt với đồng phục trường tư. Ghana cũng giống như hầu hết các quốc gia châu Phi có thu nhập thấp và tình trạng nghèo đói, vì thế đồng phục học sinh được xem là một trong những rào cản đối với việc tiếp cận giáo dục.

Năm 2010, chính phủ Ghana khởi xướng chính sách phát đồng phục miễn phí cho học sinh trên toàn quốc. Tổng cộng có hơn 170 nghìn học sinh được nhận đồng phục miễn phí vào năm 2013 và thêm 10 nghìn bộ vào năm 2014. Ngoài ra, chính phủ còn có nhiều chương trình hỗ trợ tài chính cho học sinh mua đồng phục. Theo thống kê, có hơn 8 nghìn bộ dành cho học sinh tại các khu tự quản Tarkwa Nsuaem, nơi tập trung nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Đồng phục học sinh theo qui định là vào ngày thứ Tư trong tuần ở Thái lan.
Đồng phục học sinh theo qui định là vào ngày thứ Tư trong tuần ở Thái lan.

Châu Á

Ấn Độ: Thể hiện tính nghiêm túc. Ở Ấn Độ, đồng phục được xem là một phần quan trọng của học sinh và là biểu hiện của sự nghiêm túc. Một số học viện yêu cầu học sinh đeo cà vạt, đặc biệt là các trường học do các nhà truyền giáo Cơ Đốc điều hành. Học sinh Hồi giáo có thể đeo mạng che mặt (gọi là hijab) hoặc mặc trang phục Hồi giáo (gọi là burka). Hầu hết, các trường dù công lập hay tư thục, đều cấm học sinh buộc tóc đuôi ngựa hoặc nhuộm tóc.

Đài Loan: Cho học sinh thiết kế mẫu đồng phục: Trước đây, đồng phục học sinh chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản trong một thời gian dài. Ngày nay, có 471 trường học ở Đài Loan quy định đồng phục thay đổi theo mùa trong năm. Một số trường còn chọn đồng phục dành cho học sinh học ban ngày và ban đêm, với kiểu dáng và màu sắc khác nhau.

Cơ quan Giáo dục Đài Loan không có quy định cụ thể nào về đồng phục, mà để nhà trường toàn quyền quyết định. Một số trường cho học sinh tự thiết kế đồng phục cho riêng mình, giúp tăng cường tính sáng tạo. Bên cạnh đó, cứ 2 - 3 năm, nhiều trường còn tổ chức các cuộc thi thiết kế đồng phục dành cho học sinh. Sau đó, đồng phục nào đạt giải sẽ được sử dụng.

Thái Lan: Nhiều quy định khác nhau. Ở Thái Lan, đồng phục của các trường công lập, tự thục, bao gồm các trường cao đẳng và đại học ít có sự khác nhau so với mẫu đồng phục chung của Bộ Giáo dục. Một ngày trong tuần, thường là thứ Tư, đồng phục thường qui định là màu khác.

Tuy nhiên, một số trường quốc tế không bắt buộc mặc đồng phục. Nam sinh không được để tóc dài, và cấm sử dụng các phụ kiện trang phục đi kèm. Một số trường còn cấm nữ sinh để tóc dài, nhưng được phép sử dụng các phụ kiện đơn giản. Học sinh bị cấm nhuộm tóc và xăm hình.

Theo K12 Academics

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ