Rắc rối chuyện đồng phục học sinh!

Rắc rối chuyện đồng phục học sinh!

(GD&TĐ) - Vừa vào mùa tựu trường đã nổi lên hai câu chuyện liên quan đến đồng phục học sinh. Cả hai câu chuyện đều thu hút đông đảo sự quan tâm của phụ huynh học sinh và cư dân mạng.

Ảnh MH
Ảnh MH

Vụ thứ nhất xảy ra ở Trường THPT Hà Huy Giáp (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Gần 100 học sinh của trường này phải quay về nhà thay quần mới được vào trường vì mặc quần ống bó. Đúng sai chưa biết về ai nhưng trên các trang mạng ồn ào chia làm hai phe đấu lý. Vụ thứ hai xảy ra ở Trường Tiểu học Văn Bình (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội). Trường này đưa ra mẫu đồng phục vest kiểu Hàn Quốc, giá mỗi bộ đồng phục tương đương “tạ thóc”. Điều đáng nói trường này nằm trên địa phương thuần nông nên không ít phụ huynh bức xúc, phản đối.

Chuyện học sinh mặc đồng phục xưa… như trái đất. Đã qua rồi cái thời bàn cãi nên hay không nên bắt học sinh mặc đồng phục đến trường. Vì những cuộc bàn cãi nẩy lửa cuối cùng không đi tới đâu; phe ủng hộ thì tiếp tục ủng hộ, còn phe chống đối thì tiếp tục chống đối.

Phe ủng hộ thì cho rằng đồng phục trong nhà trường xóa cách biệt giàu nghèo, giúp học sinh gần gũi nhau hơn; đồng phục còn nhắc nhở học sinh tự hào và bảo vệ thanh danh ngôi trường mình đang học.

Phe chống đối lại cho rằng đồng phục làm học sinh cảm thấy gò bó vì không được mặc những gì mình thích, không kích thích tạo ra sự khác biệt, làm cho cá tính riêng không bộc lộ - tiền đề phát triển khả năng sáng tạo vô tận của con người… Bởi vậy mà trên thế giới, có nước bắt học sinh mặc đồng phục thì cũng có nước không; thậm chí trong một nước mà nơi này bắt, nơi kia không, như các nước Mỹ, Úc, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đó là chuyện thế giới, còn ở Việt Nam đồng phục học sinh nay đã trở thành nếp áp dụng trong cả nước. Vậy thì tại sao cứ vào mỗi đầu năm học chuyện đồng phục học sinh lại gây bức xúc cho phụ huynh? Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần trở lại hai chuyện cụ thể ở đầu bài. Tại Trường THPT Hà Huy Giáp, việc nhà trường cấm học sinh, nhất là học sinh nữ mặc quần ống bó, dường như có vẻ đúng về nội quy. Tuy nhiên cũng cần giải đáp vì sao học sinh thích mang quần ống bó? Đồng phục ngoài nghiêm trang, đứng đắn cũng cần thẩm mỹ và nhất là nét thẩm mỹ ấy phù hợp với quan niệm thích cái mới của lứa tuổi học trò. Các em mặc quần ống bó là sự phản ứng lại trước bộ đồng phục “cổ kính” của trường.

Thiết nghĩ đây cũng là vấn đề lý thú mà các nhà tâm lý cần nghiên cứu, giải đáp để nhà trường có cách ứng xử phù hợp với học sinh. Còn chuyện ở Trường Tiểu học Văn Bình thì quá rõ. Mẫu đồng phục nhà trường đưa ra không phù hợp với đặc điểm địa lý vùng quê. Mặt khác, giá đồng phục quá cao so với một bộ đồng phục bình thường mà phụ huynh chấp nhận được. Qua phản ứng của phụ huynh, có lẽ phía nhà trường cũng rút ra bài học bổ ích trong công tác quản lý của mình.

Đồng phục học sinh trước hết phải đạt các tiêu chí giản dị, lịch sự, thẩm mỹ, tiện lợi trong sinh hoạt học tập và vui chơi của học sinh, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, đồng thời đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp. Tuy nhiên trong thực tế, không phải nhà trường nào cũng có bộ đồng phục đạt được các tiêu chí trên. Có những bộ đồng phục mà kiểu dáng, chất liệu vải của nó không mang lại sự thoải mái cho học sinh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, tiếp thu bài vở của các em. Thậm chí, có những bộ đồng phục đường may vụng, vải không đạt chất lượng nhưng giá cao ngất ngưởng khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi phải chăng có sự trục lợi qua chuyện may đồng phục?

Năm 2009, Bộ GD&ĐT đã ban hành một thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Quy định ghi rõ: “Nguyên tắc mặc đồng phục là bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường”. Thiết nghĩ nếu quy định này được các trường tuân thủ nghiêm thì sẽ không còn chuyện bức xúc vào mỗi đầu năm học quanh bộ đồng phục!

Từ Nguyên Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ