1.
Sự trở lại mạnh mẽ của dòng nhạc bolero là điều bất kỳ công chúng nghệ thuật nào cũng nhận ra. Ngay trên sóng truyền hình cũng có cả sân chơi ca hát lẫn game show chọn dòng nhạc bolero để thu hút khán giả như “Thần tượng bolero”, “Tình bolero” hoặc “Kịch cùng bolero”. Thế nhưng, thứ gì đẩy lên cao trào quá mức cũng trở thành bất cập, nhiều ca sĩ trẻ còn bày ra chiêu trò “remix” dòng nhạc bolero, nghĩa là hát lại theo phong cách sôi động của thể loại nhạc dành riêng cho vụ trường hoặc quán bar. Thậm chí, tranh thủ sức lan tỏa của kênh Youtueb, vài giọng ca mới như Quách Tuấn Du hoặc Châu Ngọc Tiên đã quay hình trình diễn dòng nhạc bolero ở hồ bơi với những nàng chân dài mặc áo tắm minh họa, để thu hút hàng triệu người xem trên mạng. Thực trạng ấy khiến nhạc sĩ Vinh Sử từng ca thán: “Tôi thấy bây giờ mọi thứ làm quá lên nên đã thành “cái lẩu”, không còn là bolero nữa”.
Dòng nhạc bolero dễ hát, dễ thuộc. Vì vậy, khi có điều kiện thuận lợi, các ca sĩ đua nhau hát những ca khúc vừa trữ tình vừa ủy mị không có gì lạ. Ca sĩ Tùng Dương có vẻ bức xúc: “Tôi muốn nói rõ một lần nữa là bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi. Chúng ta đồng ý rằng, bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ. Thực tế âm nhạc cho thấy nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ, cái đó chúng ta phải công nhận. Nhưng thử hỏi xem nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào. Với ai tôi không biết, nhưng với những người sáng tạo như tôi, anh Quốc Trung, anh Lê Minh Sơn, chúng tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Tâm trí của chúng tôi là luôn cầy xới những mảnh đất mới!”.
Những nhận định của ca sĩ Tùng Dương thì không có gì ghê gớm, nhưng cách nói hơi thiếu cẩn trọng. Không thể chủ quan liệt kê vài người không mặn mà với dòng nhạc bolero vào danh sách “những người sáng tạo”. Ca sĩ Tùng Dương có thể vì lơ đễnh mà quên rằng khi nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ Quốc Trung có ý mỉa mai dòng nhạc bolero thì nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã thẳng thắn đánh giá: “Nhạc của Huy Tuấn, Quốc Trung cũng không hơn gì những dòng nhạc kia, nhạc của họ sáng tác cũng hay hơn gì nhạc sến đâu, cũng là nhạc showbiz. Chẳng qua dòng nhạc sến là showbiz của nông thôn, của mấy anh đó là dòng nhạc showbiz thành phố, nhạc sến thành thị chê nhạc sến nông thôn”.
Ca sĩ Tùng Dương đã lặp lại khẩu khí của nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ Quốc Trung, nhưng cách nói vụng về và nôm na hơn. Một nhược điểm nữa của ca sĩ Tùng Dương là tự cho mình có đẳng cấp cao hơn những đồng nghiệp đang hát dòng nhạc bolero: “Mỗi ca sĩ đều có những đối tượng khán giả của mình. Khán giả của tôi là những người trí thức, họ cũng cầu toàn giống tôi”. Chính sự tự tin quá mức cần thiết của ca sĩ Tùng Dương đã khiến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nổi giận. Phản ứng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rất dễ hiểu, vì live show “Sài Gòn bolero & Hưng” vừa gặt hái thành công ở Sài Gòn và sắp công diễn tại Hà Nội thì vấp phải tiếng bấc tiếng chì không mấy thiện chí. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng viết trên Facebook: “Tôi đã nghe về sự khinh miệt, phân biệt đẳng cấp của các vị lâu lắm rồi. Nhưng tôi không thèm lên tiếng. Mà tôi để cho cuộc đời và những chiếc vé được bán sạch, những lời mời với những con số chót vót và những đêm diễn kín chỗ ngồi... trả lời quý vị. Tôi chỉ thấy rằng trong khi chờ đợi một cái mới mẻ, đủ sức hấp dẫn tôi và nhiều thế hệ khác chạy theo, chúng tôi đã tự cứu mình. Chúng tôi tự cứu bằng những gì tuyệt vời nhất mà người xưa để lại. Tôi làm được thì các bạn nên hỏi tại sao?”.
Thực tế, những chương trình bolero của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, từ “Thương hoài ngàn năm” đến “Sài Gòn bolero & Hưng” đều đầu tư rất công phu, có ý tưởng dàn dựng và có sức lan tỏa cộng đồng. Từ số lượng vé bán sạch cho live show “Sài Gòn bolero & Hưng” tại Nhà hát Hòa Bình – TPHCM, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã trích ngay 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở Mù Cang Chải. Do đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại nhắm thẳng vào phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương: “Tôi sẵn sàng phản ứng mạnh, bất chấp người đó là ai nếu đụng vào những điều liên quan đến nghề nghiệp của tôi. Có nhận xét ác ý về nghề ca hát, đại loại như “xướng ca vô loài”, hoặc chỉ trích hay lên án dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi, cuối cùng là có thái độ trực tiếp đụng chạm đến tôi mang tính hạ bệ, chà đạp, tôi nhất định sẽ “đánh” đến cùng”.
2.
Xét một cách tổng thể, thì những ý kiến của ca sĩ Tùng Dương cũng không nằm ngoài mong muốn góp phần phát triển đời sống âm nhạc hiện nay. Trong bài trả lời phỏng vấn, ca sĩ Tùng Dương có vớt vát: “Nếu bắt buộc phải hát bolero, tôi không biết là mình có hát được không vì tôi chưa đủ dũng cảm”. Điều ấy chính xác, vì âm nhạc vốn đa dạng, và sở thích cũng vốn phong phú. Mọi sự so sánh có tính cao thấp và hay dở đều gây chia rẽ cho giới nghệ sĩ và gây hoang mang cho giới mộ điệu. Nhạc sĩ Vinh Sử có rất nhiều ca khúc bolero thành công đến mức được xưng tụng “ông vua nhạc sến” khẳng định: “Loại nhạc nào cũng vậy, có lúc thịnh hành, có lúc bão hòa. Có giai đoạn gần 10 năm, người ta không để ý tới bolero nữa nhưng những năm gần đây, nó được yêu mến trở lại, đó cũng là quy luật chung thôi. Không có bolero hay điệu nhạc nào lại làm văn hóa đi xuống cả, chỉ có con người tự làm cho mình đi xuống thôi. Có những bài nhạc bolero rất hay và nổi tiếng, cũng có những bài nhạc chìm nghỉm. Cũng như có những người ca 6 câu vọng cổ khiến người nghe xúc động nhưng cũng có những người ca 6 câu tương tự nhưng không tạo được hiệu ứng. Đó là do người viết, người ca còn điệu nhạc không có lỗi”.
Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bolero du nhập vào nước ta từ những năm 1950 của thế kỷ trước, là dòng nhạc giải trí, rất gần gũi với tâm hồn người Việt, đặc biệt là tầng lớp bình dân, lao động. Dòng nhạc bolero dễ thuộc, dễ nhớ, âm vực không rộng nên ai cũng có thể hát được. Đối với tác giả, bolero là người yêu, đối với người nghèo, bolero là nguồn sống. Những người yêu bolero chỉ cần ngồi nhâm nhi bên ly rượu gạo, trái ổi… là cũng đã có thể thẩm thấu bolero. Trên hành trình sáng tạo, nhiều nhạc sĩ đã đưa vọng cổ vào bolero, giúp cho bolero đi vào đời sống âm nhạc Nam bộ một cách tự nhiên, gần gũi. Nhiều tình khúc bolero mang hơi thở mới, cái nhìn lạc quan của người sáng tác chứ không hẳn nhắc đến bolero là nhắc đến những ca khúc sầu thương, ủy mị. Không nên có sự pha trộn, nhầm lẫn về khái niệm của bolero để dẫn đến những hiểu nhầm không đáng có cho khán giả. Các nhạc sĩ Việt Nam đã khéo léo kết hợp nhạc bolero với các làn điệu dân ca truyền thống, tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhấn mạnh: “Có thể nói, bolero giống như một sự cách tân nhạc cổ của người miền Nam. Tôi hy vọng những chương trình âm nhạc về bolero sẽ có sự định hướng đúng để đưa bolero trở lại hiệu quả và đi vào lòng công chúng hôm nay!”.