Nhiều bằng chứng về nơi ở của người nguyên thủy
PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong đợt điều tra khảo cổ học tại Vườn quốc gia Ba Bể vào cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc những dãy núi đá vôi bao quanh hồ.
Đoàn đã tiến hành khảo sát nhiều địa điểm khác nhau và phát hiện ra 4 hang động có những di chỉ khảo cổ học rất quan trọng. 4 di tích có dấu vết sinh sống của con người là hang Thẳm Kít, hang Thẳm Mỳa, hang Nả Phoòng và Động ba cửa thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Đặc điểm chung các di tích hang tiền sử này là phân bố trong vùng lõi của Vườn quốc gia, gần lòng hồ, cửa hang trông xuống hồ Ba Bể.
Trong đó, hang Thẳm Kít là nơi phát hiện ra nhiều dấu tích của người nguyên thủy thời tiền sử, có niên đại cách đây 20.000 năm.
Điều đáng nói là hang Thẳm Kít nằm ở vị trí rất thuận tiện đi lại, ô tô có thể dừng đỗ ngay ở cửa hang. Cửa hang hình vòm, rất lớn, quay về hướng Tây chếch Nam. Đường lên hang khá thuận tiện. Lòng hang rộng gần 3.000 m2, nền hang khá bằng phẳng, chia làm 3 buồng lớn với nhiều ngách nhỏ. Trong lòng hang có một số đá tảng lớn là bằng chứng của những hoạt động kiến tạo địa chất trong quá khứ - đá bị tách ra và rơi từ trần xuống.
Tại các hang Thẳm Mỳa, hang Nả Phoòng, Động Ba Cửa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số mảnh gốm cổ, thân mỏng có trang trí hoa văn thừng và văn khắc vạch mang đặc trưng của gốm thời đại Kim khí.
Đáng chú ý là tại hang Thẳm Mỳa, ngoài đồ gốm thời Kim khí ra các nhà khảo cổ học còn phát hiện được bộ công cụ bằng đá thuộc văn hóa Hòa Bình, gồm công cụ hình bầu dục, công cụ rìu ngắn, công cụ dạng hình đĩa. Đây là những đồ vật tiến bộ, sắc sảo hơn. Tuy vậy ở đây không có xương răng độc vật hóa thạch. Chỉ còn các dấu tích như vỏ ốc suối, đồ gốm… có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm thuộc thời đại kim khí.
Tại hai hang còn lại là Nả Phoòng và Động Ba Cửa chỉ xuất hiện các mảnh gốm thời đại kim khí có hoa văn thừng có niên đại là lớp cư dân muộn hơn thuộc thời đại kim khí cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm.
"Từ trước đến nay, các nghiên cứu về giai đoạn thời kỳ đá cũ của con người nguyên thuỷ không nhiều. Đa số các phát hiện là người tiền sử sinh sống ở các hang động núi đá vôi ở miền ní phía Bắc (chủ yếu là Đông Bắc) như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…. Phát hiện này bổ sung thêm nhận thức về văn hóa người tiền sử ở Bắc Cạn", PGS.TS Trình Năng Chung cho hay.
"Động người xưa" trong Vườn quốc gia Ba Bể
PGS.TS Trình Năng Chung cho hay, kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dấu tích của người nguyên thuỷ được phát hiện khắp khu vực hang Thẳm Kít.
Đoàn khảo sát cũng đã phát hiện 54 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá. Trong lòng hang đã phát lộ dấu tích của một bếp cổ trong tầng văn hóa và chưa phát hiện được dấu tích mộ táng. Tất cả công cụ bằng đá đều được chế tác từ những viên đá cuội. Loại hình công cụ ở đây mang đặc trưng công cụ thời Đá cũ như "rìu" thô sơ dùng để chặt, đập, có rìa lưỡi ngang, rìa lưỡi xiên chéo, "dao" mũi nhọn...
Đoàn khảo sát đã tìm thấy một số hòn ghè cùng nhiều mảnh tước nhỏ. Tất cả công cụ bằng đá được tạo tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo còn thô sơ, ghè trực tiếp hạn chế phần rìa lưỡi. Chưa xuất hiện việc tu chỉnh công cụ và không tìm thấy công cụ có dấu mài và bàn mài.
Do phần lớn bề mặt nền hang đã bị xáo trộn nhờ hoạt động của con người thời hiện đại, nên tầng văn hóa cổ đại xuất lộ ngay trên bề mặt. Dấu vết để lại trong lòng hang cho thấy, di tích có một lớp văn hoá duy nhất dày khoảng 50 cm, có độ kết cấu khá cứng, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu vàng sẫm, chứa di vật khảo cổ xen lẫn xương, răng động vật.
Cùng với những di vật đồ đá trên là dấu tích của nhiều xương, răng động vật đã bán hóa thạch. Đó chính là tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại. Các loại xương phát hiện như xương khỉ, lợn rừng, xương hươu, nai, xương gà hoặc chim… Đây là bằng chứng cho thấy, chính là nơi sinh sống của một bộ tộc người nguyên thủy với phương thức săn bắn hái lượm là chủ yếu.
Việc phát hiện ra các loại xương răng bán hóa thạch chính là minh chứng cổ xưa của dấu tích này, cũng là tiêu chí đánh giá một di tích.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung, khi so sánh các di tích, di vật hang Thẳm Kít với bộ sưu tập khảo cổ ở hang Thẳm Thinh, một di tích hậu kỳ Đá cũ ở xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) thì có thể nhận thấy nhiều nét tương đồng, gần gũi.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu và tuổi trầm tích địa tầng văn hoá, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng hang Thẳm Kít là một di tích về nơi cư trú của người nguyên thủy huộc giai đoạn hậu kỳ Đá cũ có niên đại cách nay khoảng gần 20.000 năm. Hang Thẳm Kít rất xứng đáng được coi là "Động người xưa" trong khu Vườn quốc gia Ba Bể.
PGS.TS Trình Năng Chung cho rằng, việc phát hiện 4 di tích khảo cổ ở Vườn quốc gia Ba Bể, đặc biệt di tích hang Thẳm Kít, đã làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử Bắc Kạn nói riêng và Việt Nam nói chung. Những phát hiện mới này làm tôn vinh thêm giá trị văn hóa nhân sinh trong Vườn Di sản thiên thiên ASEAN của hồ Ba Bể.
Rất khó để dự đoán bên dưới lớp trầm tích trong hang còn tồn tại những di chỉ, tầng văn hóa nào, nhưng các nhà khoa học dự kiến thời gian tới sẽ có kế hoạch sẽ khai quật một số vị trí trong hang Thẳm Kít với hy vọng sẽ tìm thấy nhiều tầng văn hóa với các hiện vật chắc chắn hơn còn nằm sâu trong lòng đất. Nếu tìm thấy cả mộ táng nữa thì đây sẽ là một địa chỉ khảo cổ học thực sự có ý nghĩa to lớn.