Theo thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai diễn ra sáng 6/12, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trong ngày 5/12, tỉnh ghi nhận thêm hơn 5 ngàn ca bệnh Covid-19, 15 ca tử vong do Covid-19, cộng dồn đến nay toàn tỉnh có 866 ca tử vong do Covid-19 (trong đó có 1 trẻ em 5 tuổi), chiếm tỷ lệ 0,96% tổng số ca bệnh.
Trong số các ca tử vong có 90% bệnh nhân mắc bệnh nền, 60% chưa tiêm vắc xin.
Sở Y tế đã phân bổ 70 ngàn viên thuốc điều trị Covid-19 cho các cơ sở y tế trong tỉnh và đang tiếp tục nỗ lực để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành y tế là thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2, tầng 3.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh và các thành viên Ban chỉ đạo đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến phương pháp xét nghiệm để công nhận bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh nhằm giảm ngân sách của nhà nước, nhân dân; tình hình số ca tử vong tăng cao; các biện pháp tránh quá tải cho các xã, phường và nguy cơ vỡ trận do F0 tăng quá nhanh mà không xử lý kịp…
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, những ngày qua, số xã, phường xếp cấp độ 3 tăng cao. Do đó, các địa phương phải triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội tương ứng với từng cấp độ dịch để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện rất đáng quan tâm, sắp chạm mốc 1% tổng số ca nhiễm tử vong, số nguy kịch còn nhiều nên nếu không nỗ lực thì tỷ lệ tử vong sẽ còn tăng. Đề nghị ngành Y tế tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, phân tầng điều trị hiệu quả để giảm số ca tử vong, giảm số ca nguy kịch. Nên đánh giá nguyên nhân tử vong sát, nếu thiếu nhân lực thì phải kiến nghị Trung ương chi viện.
Kết luận tại cuộc họp, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường lo ngại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp. Số ca bệnh hằng ngày tăng gấp nhiều lần so với trước, số ca tử vong tiếp tục tăng, trung bình mỗi ngày từ 15-18 ca, có ngày trên 20 ca, không đạt kế hoạch đề ra.
Đây là tình trạng đáng báo động, ngành Y tế cần phân tích kỹ số ca tử vong để có giải pháp hạn chế số ca tử vong, rà soát thật kỹ bao nhiêu ca có bệnh nền, bao nhiêu ca chưa tiêm chủng, số ca chưa tiêm là do người dân không muốn tiêm hay không được tiêm hay do thống kê số liệu không chính xác.
Số ca F0, F1 điều trị tại nhà quá nhiều khiến y tế quá tải, có trường hợp từ khi mắc bệnh đến khi khỏi bệnh không nhận được viên thuốc nào từ y tế. Do số ca bệnh quá nhiều mà nhân lực có hạn nên hệ thống y tế cơ sở đang quá tải trầm trọng. Do đó, ngành Y tế và các địa phương cần tìm mọi cách để giảm tải vấn đề này.
Riêng Thành phố Biên Hòa trong những tháng tới vẫn ưu tiên chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu để dịch bệnh tràn lan thì những việc khác đều vô nghĩa.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin còn rất nhiều bất cập. Số liệu báo cáo chưa kịp thời, chưa chính xác, thiếu độ tin cậy. Do vậy, ngành y tế cần báo cáo số liệu chính xác, đầy đủ, khoa học, không được giấu số liệu, kể cả số liệu người nhiễm bệnh, người tử vong...