Dông lốc khiến 71 nhà dân ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng bị hư hỏng, tốc mái

GD&TĐ - Trận lốc xoáy làm 54 nhà dân tại Quảng Ngãi và 17 nhà dân ở Đà Nẵng bị tốc mái, hư hỏng nặng. Rất may không có thiệt hại về người.

Có 54 nhà dân ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, tốc mái. Trong ảnh là mái nhà của một hộ dân hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Công Sáng.
Có 54 nhà dân ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, tốc mái. Trong ảnh là mái nhà của một hộ dân hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Công Sáng.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk mưa lớn và dông lốc ngày 27/10 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nông nghiệp, rất may không có thiệt hại về người.

Lốc xoáy thổi bay nhiều mái nhà của người dân ở Đà Nẵng. Ảnh: NDCC.
Lốc xoáy thổi bay nhiều mái nhà của người dân ở Đà Nẵng. Ảnh: NDCC.

Cụ thể, về thiệt hại do dông lốc, thống kê cho thấy, có 71 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Quảng Ngãi 54 nhà, Đà Nẵng 17 nhà).

Thiệt hại do mưa lũ, có 199 nhà dân ở Đắk Lắk bị ngập.

Về nông nghiệp, Đắk Lắk có 670 ha cây trồng các loại bị ngập; Khánh Hòa bị thiệt hại 385ha lúa bị ngập.

Về thủy lợi, đê điều, báo cáo cho biết, có 90m kênh mương bị hư hỏng (Bình Định 70m, Đắk Lắk 20m); 50m2 mái kè bị hư hỏng (Bình Định); 15m bờ đập bị cuốn trôi (Đắk Lắk); 20m đê ngăn mặn bị sạt lở (Khánh Hòa).

Về giao thông, qua rà soát có 9 vị trí sạt lở (Bình Định 7 vị trí, Quảng Nam 2 vị trí).

Vụ xói lở khiến giao thông từ hướng xã Phước Công đi xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam bị gián đoạn. Ảnh: Nguyễn Cường.
Vụ xói lở khiến giao thông từ hướng xã Phước Công đi xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam bị gián đoạn. Ảnh: Nguyễn Cường.

Ngày 28/10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo, các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành tiếp tục triển khai Công điện số 1420/CĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trong những ngày tới để chủ động các biện pháp ứng phó. Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở, tìm kiếm người mất tích, khôi phục sản xuất.

Vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du, dành dung tích đón lũ và đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thiên tai, thời tiết, đảm bảo an toàn.

Sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo.

Tin không khí lạnh tăng cường

Ngày 28/10, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang tăng cường lệch Đông. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-21 độ, vùng núi phía Bắc có nơi dưới 17 độ.

Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 1,5-3,0m. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Tình hình mưa

Dự báo: Từ 28 đến 30/10 các tỉnh Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Nghệ An đến Quảng Bình phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 100-120mm, có nơi trên 180mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.

Tình hình lũ, lũ quét, sạt lở đất:

Các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên dao động xấp xỉ và trên BĐ1. Riêng sông Kỳ Lộ (Phú Yên) và Cam Ly (Lâm Đồng) trên BĐ2.

Dự báo: Từ ngày 28/10 đến ngày 31/10, đỉnh lũ trên thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh; các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Nghệ An, các sông từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, hạ lưu các sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ