Đồng hành cùng trò

GD&TĐ - Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh bậc THPT luôn được ngành Giáo dục Hải Phòng quan tâm.

Cô trò lớp 12A4 Trường THPT Lê Quý Đôn.
Cô trò lớp 12A4 Trường THPT Lê Quý Đôn.

Năm học 2022 - 2023, các trường THPT trên địa bàn thành phố tiếp tục chủ động, đổi mới và thực hiện tốt công tác này nhằm giúp học sinh nhận biết khả năng của mình, chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu của xã hội.

Để trò vững tâm

“Ngành Y lấy điểm khá cao trong khi khả năng của em không chạm tới. Hơn nữa, em thấy thích các ngành kinh tế, vì thế đến lớp 12 em quyết định sẽ theo học Học viện Ngoại giao hoặc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hai trường này có nhiều phương thức và xét tuyển sớm. Em tin gia đình sẽ ủng hộ lựa chọn của em”, Mai chia sẻ.

Phạm Xuân Mai, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hải An sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề y. Ngay từ những năm học THCS em đã được gia đình định hướng theo học Trường Đại học Y Hà Nội. Nuôi dưỡng ước mơ thành bác sĩ, Mai theo học thêm môn Sinh học và đăng kí vào lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Trần Phú. Tuy nhiên, do thiếu 0,2 điểm, Mai không đỗ chuyên như nguyện vọng 1. Quá trình học THPT, khi tìm hiểu về các ngành nghề và sở trường của bản thân cùng sự định hướng của thầy cô, Mai nhận thấy theo đuổi ngành Y không phù hợp.

Lê Thị Ngọc Ánh, lớp 12A7, Trường THPT Lê Quý Đôn đang học Ban KHXH. Ánh có nguyện vọng học ngành truyền thông, báo chí, tuy vậy, bố mẹ em lại thích con gái theo học ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính. Ngọc Ánh cho hay, vì chưa có quan điểm chung trong việc chọn ngành học với gia đình nên hiện tại em vẫn chưa quyết định. Kế hoạch trước mắt của em là phấn đấu học tốt và qua các kỳ thi thử em đánh giá năng lực, đưa ra chọn lựa dựa trên điểm số của mình.

Cô Nguyễn Anh Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, lớp có 47 học sinh, vì theo sát trò từ năm lớp 10 nên cô hiểu rõ lực học và nguyện vọng của từng em. Qua công tác hướng nghiệp, định hướng nghề từng năm học, các em được hiểu về ngành nghề tương lai, các trường đại học và phương thức tuyển sinh phù hợp. Khi các em học lớp 11, cô Minh cho học sinh tự đăng ký nguyện vọng sau đó đổi chéo cho các bạn để tư vấn cho nhau. Đến cuối năm, cô thông tin lại cho phụ huynh nắm được nguyện vọng của con.

Theo cô Minh, dù luôn tuyên truyền, định hướng tới từng học trò nhưng đến năm lớp 12, nhiều em chưa thực sự hiểu nguyện vọng của bản thân. Thậm chí, có em còn mâu thuẫn với gia đình trong cách chọn ngành học tương lai. Để phụ huynh đồng hành cùng con, trong cuộc họp phụ huynh cuối kì I lớp 12, cô đã giao cho 4 nhóm học sinh tìm hiểu và trình bày trước cuộc họp về xu hướng ngành nghề, sở thích, sở trường bản thân.

Cô Đỗ Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay, nhà trường hàng năm đều tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Đầu tháng 2 vừa qua Trường THPT Lê Quý Đôn đã mời Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội về trường để truyền thông cho học sinh khối 11 và khối 12 về cấu trúc đề thi, phần mềm ôn luyện, thi thử, các ngành học mới, các kì thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, Trường có nhóm Zalo lớp trưởng các lớp, vì thế mỗi khi có thông tin mới về các kì thi, ngành học, phương thức xét tuyển mới thầy cô đều đưa lên nhóm để cán bộ gửi lên cho các bạn.

Cô Lý đánh giá, trong công tác tư vấn, định hướng nghề, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rất quan trọng. Vì thế, nhà trường luôn sát sao chỉ đạo thầy cô quan tâm, tư vấn, định hướng, kết nối để học trò có được lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.

Trải nghiệm thực tiễn

Thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết, hàng năm với học sinh lớp 10 nhà trường đều cho khảo sát nguyện vọng ngành nghề tương lai của các em. Có 10 ngành nghề được các em chọn lựa nhiều nhất như: Nhóm ngành kinh doanh; các ngành công nghệ, thông tin; báo chí, khoa học và xã hội; ngành Luật, nhân văn… nhà trường dựa trên những dữ liệu đó để cùng trao đổi với phụ huynh, định hướng phù hợp với năng lực của các em và nhu cầu thực tế của xã hội.

Năm nay, nhà trường dự định sẽ đưa học sinh đi thực tế tại một số trường đại học mà các em có nguyện vọng được học như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học RMIT, Đại học BUV. Sau khi học sinh đi thực tế về, nhà trường sẽ tổ chức mời các chuyên gia về tham gia buổi tọa đàm về nghề nghiệp tương lai, định hướng nghề cho học sinh.

Cô Phan Hồng Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, Trường THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ, qua các lần khảo sát về nguyện vọng, ngành nghề của học sinh, giáo viên có căn cứ để tư vấn, giúp các em điều chỉnh cho hợp lý. Đến năm lớp 12, học trò hình dung cụ thể và rõ nét hơn về ngành nghề, nhiều em có lập trường khá vững vàng về nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, trong các tiết sinh hoạt lớp, cô Hạnh đưa ra những chủ đề về nghề nghiệp, ngành học để học sinh cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ.

Năm học này, Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng có hơn 350 học sinh lớp 12. Theo thầy Hiệu trưởng Đinh Hồng Tiệp, nhà trường đã tuyên truyền, triển khai cho học sinh tìm hiểu ngành nghề, lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai. Trong đó có phân ra các nhóm ngành: Kinh tế, an ninh, quân đội…. Sau khi các em chọn ngành, nghề, thầy cô sẽ tư vấn cho học sinh chọn trường cho phù hợp với năng lực.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ sát sao với từng học sinh. Những học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học bằng học bạ, nhà trường làm sẵn học bạ công chứng để các em không lỡ cơ hội chọn trường sớm. Cũng không ít học sinh không quan tâm việc chọn ngành, chọn trường, thậm chí nhiều phụ huynh không để ý tới tương lai của con, vì thế thầy cô giáo chủ nhiệm có vai trò quan trọng định hướng, tư vấn cho các em.

Dự kiến tháng 4 nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 thực hiện chương trình hướng về nguồn. Các em sẽ cùng thầy cô dâng hương Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn miếu Quốc Tử Giám và tiếp cận thực tế với một trường đại học để các em được trải nghiệm một ngày làm sinh viên. Điều này vô cùng quan trọng, giúp học trò thúc đẩy khát vọng thực hiện ước mơ vào đại học, từ đó có động lực tăng tốc cán đích.

Nhiều phụ huynh chưa thực sự hiểu nguyện vọng của con, thậm chí áp đặt khiến trò áp lực. Với trường hợp này tôi thường chủ động nói chuyện với học sinh để biết mong muốn, lựa chọn của em có phù hợp với năng lực bản thân sau đó trao đổi để cha mẹ hiểu con hơn, tránh những mâu thuẫn không đáng có. - Cô Nguyễn Anh Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ