Huy động nguồn lực thực hiện công tác xã hội hóa
Những năm qua, cùng với nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Từ năm 2013 đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ, viện trợ để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng mới 262 phòng học, 38 nhà công vụ cho giáo viên trị giá gần 99 tỷ đồng; ngoài ra từ nguồn xã hội hóa đã thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều hạng mục, công trình phụ trợ khác cho các nhà trường giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn chia sẻ: "Năm học 2024 - 2025, tỉnh có 281 trường mầm non, phổ thông với hơn 81 nghìn học sinh. Hàng năm, các trường học đều tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại cơ sở giáo dục; tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục".
"Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện. Qua đó, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Các thầy cô cũng có điều kiện giảng dạy chuyên nghiệp và hiệu quả trong quá trình truyền tải kiến thức tới học sinh", ông Sơn nói.
Công tác xã hội hóa giáo dục được ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn huy động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh cùng chung tay, đóng góp xây dựng trường, lớp học, bếp ăn bán trú, nhà công vụ và các công trình phụ trợ khác.
Các trường học được xây dựng kiên cố và khang trang
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho hay: Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, đến nay cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư kiên cố, khang trang, đặc biệt là những trường thuộc vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giáo viên ở xa có nhà công vụ ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 71,1% (tăng 26,4% so với năm 2013). Tổng số phòng học bộ môn ở các cấp học 695; tỷ lệ phòng học bộ môn kiên cố đạt 79,4%; các phòng chức năng, bộ môn, phòng ở nội trú, bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, phòng thư viện, bếp ăn bán trú được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn xã hội hóa, đến năm học 2023-2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng 131 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 79 trường so với năm học 2013-2014).
Cô Phạm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường mầm non Cao Tân chia sẻ: Điểm trường Pù Lườn trước đây vẫn thực hiện công tác ăn bán trú cho các em học sinh tại bếp ăn tạm nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn và Hội chữ thập đỏ tỉnh Pác Nặm kết nối với tập đoàn Trường Hải Thaco, điểm trường Pù Lườn đã có bếp ăn mới với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Bếp ăn mới được đưa vào sử dụng sẽ đóng góp rất lớn trong công tác huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục đơn vị, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng của nhà trường nói chung và điểm trường mầm non Pù Lườn. Qua đó tạo được lòng tin cho phụ huynh tại điểm trường khi cơ sở vật chất, đặc biệt là bếp ăn dần kiên cố hóa, góp phần đảm bảo tổ chức bữa ăn học đường cho các em học sinh.
Như vậy, hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Bắc Kạn đã tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, trường, lớp ngày càng khang trang, công tác dạy và học có nhiều khởi sắc. Ngành GD&ĐT địa phương tin tưởng rằng, với sự quan tâm, đầu tư của Tỉnh và sự chung tay của cộng đồng, các trường lớp nơi đây sẽ tiếp tục được xây dựng mới, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy tỉnh miền núi ngày càng phát triển.