Đóng BHXH 18 năm, có được đóng tiếp để hưởng lương hưu?

Ông Vũ Ngọc Quang sinh ngày 8/6/1975, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Phú Thọ năm 1996 và bắt đầu làm giáo viên từ tháng 9/1996 đến nay. Do tình trạng sức khỏe, nay ông Quang có nguyện vọng xin thôi việc. Vậy, ông Quang có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm và khi đủ 60 tuổi ông có được hưởng lương hưu không?

Đóng BHXH 18 năm, có được đóng tiếp để hưởng lương hưu?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Luật BHXH, người lao động nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên, đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ việc hưởng lương hưu với mức thấp hơn.

Theo thông tin ông Vũ Ngọc Quang cung cấp, so sánh với quy định nêu trên nhận thấy, nếu ông Quang thường xuyên đau ốm và có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì ông cũng chưa đủ điều kiện được hưởng lương hưu với mức thấp hơn, do ông chưa đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và chưa đủ 50 tuổi.

Thôi việc theo nguyện vọng

Căn cứ Điều 38 và Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, ông Quang có thể được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:

- Có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, Điều 29 Luật viên chức (phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày).

Tiền trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của ông Quang từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau: Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Ông Quang được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, nên thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi ông có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của ông từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

Về chế độ BHXH: Căn cứ Điều 55, Điều 56 và Điều 57 Luật BHXH, do ông Quang nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nên ông có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức sau:

- Hưởng BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.

- Bảo lưu thời gian đóng BHXH (nếu chưa hưởng BHXH một lần).

Có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện

Căn cứ khoản 5, Điều 2 và Điều 69 Luật BHXH; hướng dẫn tại khoản 4, Điều 4 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP, sau khi thôi việc, mà ông Quang chưa nhận BHXH một lần, bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, thì có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để cộng nối với thời gian đã đóng BHXH bắt buộc. 

Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Theo khoản 1, Điều 70 Luật BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Căn cứ Điều 75 Luật BHXH, trường hợp ông Quang tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đến khi tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đủ 20 năm trở lên thì dừng đóng, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 70 hoặc chưa nhận BHXH một lần thì ông được bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này có điều kiện tiếp tục đóng BHXH hoặc nhận trợ cấp BHXH một lần (nếu có yêu cầu), hoặc hưởng lương lưu khi đủ 60 tuổỉ.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ