Đơn tố cáo mạo danh, nặc danh, nếu có căn cứ thì phải thụ lý giải quyết

GD&TĐ - Sắp tới, tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Một trong những nội dung sửa đổi mang tính đột phát, đó là việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo mạo danh, nặc danh.

Ảnh: theo Báo Người Lao Động
Ảnh: theo Báo Người Lao Động

Hiện nay, việc phát sinh đơn tố cáo mạo danh, nặc danh xuất phát từ nhiều nguyên nhân như người tố cáo không muốn bị phát hiện, sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống của bản thân và gia đình. Đa số các đơn tố cáo mạo danh, nặc danh là có cơ sở để xem xét giải quyết.

Có ý kiến cho rằng, tố cáo mạo danh, nặc danh là có hành vi vu khống, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, vấn đề này là có thực nhưng số lượng không đáng kể, đa phần những người tố cáo mạo danh, nặc danh sai sự thật là do mẫu thuẫn, đấu đá nội bộ trong cơ quan, tổ chức nhằm hạ uy tín đối thủ…

Theo quy định hiện hành, về nguyên tắc các đơn tố cáo mạo danh, nặc danh không được xem xét giải quyết nên nhiều cơ quan khi tiếp nhận đơn tố cáo mạo danh, nặc danh thì phải lưu đơn, không xử lý.

Do đó, mặc dù là đơn tố cáo mạo danh, nặc danh nhưng có cơ sở, kèm theo các chứng cứ chứng minh đối với hành vi bị tố cáo…nhưng không được xem xét xử lý, vô tình đã bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật hoặc tội phạm.

Luật tố cáo năm 2011, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2012 đã dành hẳn 01 chương (từ Điều 34 đến Điều 40) để quy định về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, Điều 34 của Luật quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Cũng theo quy định của Điều này, đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt....

Tuy nhiên trên thực tế, người tố cáo vẫn chưa an tâm với việc thực thi các quy định này, khi mà mối quan hệ ràng buộc giữa người tố cáo và người bị tố cáo với nhau như nhân viên tố cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức.

Nếu thủ trưởng cơ quan, tổ chức phát hiện nhân viên tố cáo mình thì có thể nhân viên đó sẽ bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc hoặc có những quyết định điều động, luân huyển…với mục đích là trù dập. Đây cũng là một trong những lý do cơ bản dẫn đến việc phát sinh các đơn tố cáo nặc danh.

Nếu không xem xét, thụ lý và giải quyết đơn tố cáo nặc danh thì sẽ bỏ lọt một nguồn thông tin tố giác hành vi vi phạm pháp luật quan trọng; dẫn đến tình trạng bao che, thông tin giữa người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh.

Do đó, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo lần này cần phải quy định theo hướng như đối với đơn tố cáo nặc danh, nếu nội dung phản ánh là rõ ràng, chính xác, có chứng cứ chứng minh kèm theo thì cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh phải xem xét, thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

Còn đối với đơn tố cáo, nếu nội dung phản ánh không rõ ràng, không chính xác, không có chứng cứ chứng minh thì không xem xét giải quyết.

Có như vậy, sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tội phạm, nhất là kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ