(GD&TD)-Sáng nay (25/10), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Tố cáo, trong đó nhiều ý kiến đề nghị làm rõ các quy định liên quan đến người tố cáo như bảo vệ, khen thưởng, bồi thường thiệt hại.
Cần có quy định bảo vệ người tố cáo và người giải quyết tố cáo (ảnh MH) |
Dự thảo Luật Tố cáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ nhất (tháng 8/2011), và phiên họp thứ 3 (12/10/2011) trước khi được toàn thể đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần này xem xét, quyết định.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng): Những người tố cáo khi tố cáo một cá nhân tham nhũng, đơn vị làm sai pháp luật, đều bị xúc phạm, trù dập, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Để khuyến khích nhân dân tham gia tố cáo hành vi sai phạm, trong dự thảo Luật Tố cáo cần có quy định cụ thể bảo vệ người tố cáo để họ yên tâm đưa ra chứng cứ, bằng chứng xác thực khiếu nại, tố cáo cá nhân, đơn vị có việc làm ảnh hưởng đến lợi ích tập thể, quốc gia. Những cá nhân, đơn vị có tinh thần tố cáo những vụ việc sai trái cần được khen thưởng, được bồi thường thiệt hại.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: Người tố cáo cần được bảo vệ bằng sự hợp tác của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi, bí mật, an toàn thông tin.
Song song với việc bảo vệ người tố cáo, trong dự thảo luật cũng cần quy định bảo vệ người giải quyết tố cáo. Đó là quan điểm của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước). Bởi vì trên thực tế, người giải quyết tố cáo cũng thường bị mua chuộc, hối lộ và nặng hơn là bị đe dọa khi giải quyết các vụ tố cáo. Nếu như không có quy định bảo vệ người giải quyết tố cáo thì sẽ không có ai dám tố cáo và giải quyết các vụ tố cáo.
Trên thực tế, có nhiều vụ việc tố cáo sai sự thật đã ảnh hưởng tới danh dự, lợi ích của người bị tố cáo và gia đình họ. Vì vậy, người tố cáo sai sự thật cần phải bồi thường cho người bị tố cáo, tùy theo mức độ sai sự thật đến đâu. Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang).
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cũng cho rằng: Người tố cáo phải có tinh thần trách nhiệm, trình bày trung thực nội dung tố cáo, chứng cứ đưa ra phải rõ ràng, chính xác. Người tố cáo cần ghi rõ họ tên, địa chỉ khi viết đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhằm tránh tố cáo nặc danh, xuyên tạc, vu khống.
Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ), nhiều vụ tố cáo dưới hình thức nặc danh, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của người bị tố cáo và nên gây khiếu kiện vượt cấp, làm mất thời gian của các cơ quan pháp luật. Những người tố cáo sai cần phải xử phạt nghiêm theo pháp luật và bồi thường cho người bị tố cáo và cơ quan giải quyết tố cáo.
Nếu người tố cáo sai là cá nhân thì dễ dàng xử phạt nhưng nếu là tập thể tố cáo sai thì rất khó kiểm tra, xử lý. Vì vậy, dự thảo Luật Tố cáo nên có quy định chặt chẽ đối với việc tố cáo sai, cá nhân thì xử lý ra sao, tập thể xử lý như thế nào. Không giải quyết những đơn thư tố cáo không rõ nội dung, đơn thư nặc danh. Đại biểu Lương Văn Thành (đoàn Hải Phòng) bày tỏ.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) lại phản biện rằng: Nhiều vụ tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ vì người tố cáo sợ bị đe dọa và ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Tuy nhiên, nếu những đơn thư tố cáo đó có bằng chứng, thông tin cụ thể, rõ ràng thì đơn tố cáo vẫn phải được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (đoàn Cà Mau) cho rằng: Dự thảo Luật Tố cáo cần quy định thêm về người tố cáo nên giải thích thêm những thông tin chi tiết mà cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ.
Minh Duy