Cuộc chạm trán với một “người rừng”
Một buổi sáng tháng 8.1848, một người lính Anh đang cưỡi ngựa dọc theo bờ sông ở Bengal, phía Bắc Ấn Độ, khi anh phát hiện một con sói lớn với bộ lông có màu cát chui ra khỏi tổ cùng ba con nhỏ của nó.
Đây lẽ ra là một hiện tượng bình thường, nhưng có một thứ đập vào mắt khiến người lính ấy vô cùng sửng sốt, phải ghì cương ngựa dừng lại để quan sát cho rõ: Theo sau ba con sói non là một đứa bé trai đang bò trên cả tứ chi.
“Con sói mẹ dường như đã chăm sóc tất cả những đứa con của nó như nhau”, cấp trên của người lính này, đại tá William Sleeman, kể lại vài năm sau, “tất cả đều đi tới con sông và uống nước mà không để ý tới người lính, lúc này đang ngồi trên lưng ngựa và lặng lẽ quan sát cả nhóm”.
Người lính kinh ngạc khi chứng kiến cảnh đứa trẻ liếm nước sông như những con sói. Và rồi cả nhóm trở lại hang, nhanh như khi mới xuất hiện. Anh thúc ngựa đuổi theo đàn sói, với hy vọng có thể giải cứu đứa trẻ. Nhưng do ngựa phải chạy trên một con đường không bằng phẳng và nhiều đá sỏi, anh đã chẳng thể đuổi theo.
Không bỏ cuộc, người lính trở lại vài giờ sau đó với một nhóm quân nhân cầm theo cuốc chim để đào hang sói. Sau khi đào tới độ sâu 2,4m, họ thấy những con sói và đứa trẻ lao ra ngoài để tẩu thoát. Nhưng lần này, anh đã tóm được đứa trẻ.
“Nhóm lính đưa đứa trẻ về làng, nhưng buộc phải trói tay chân, vì nó chống cự rất dữ. Đứa trẻ luôn tìm cách lao vào mọi cái hố hoặc cái hang mà cả nhóm đi ngang qua”, Sleeman nói. “Họ cố gắng khiến đứa trẻ lên tiếng, nhưng tất cả những gì thu được chỉ là những tiếng hú, tiếng gầm gừ giận dữ. Khi một người trưởng thành tới gần, đứa trẻ tỏ ra cảnh giác và cố lánh đi chỗ khác. Nhưng khi một đứa trẻ tìm cách tiếp cận, nó lại lao đến, gầm gào như chó và nhe răng ra cắn”.
Trong 2 năm tiếp theo, đứa trẻ tiếp tục sống như một con sói. Nó ăn thịt sống và từ chối mặc quần áo, không cần biết thời tiết lạnh tới đâu. Đứa trẻ không chịu làm bầu bạn với con người, chỉ thích chơi loanh quanh với những con chó và ăn uống chung đĩa với chúng.
Cuối cùng đứa trẻ bị bệnh nặng và không ai biết nó bị bệnh gì. Người ta cũng kể rằng sau rất nhiều nỗ lực dạy tiếng người, từ duy nhất mà đứa trẻ có thể thốt ra là “đau “ rồi chỉ vào đầu mình. Trong ngày cất tiếng nói đầu tiên đó, đứa trẻ đã qua đời.
Câu chuyện về đứa trẻ được những con sói nuôi lớn kể trên thực tế chỉ là một trong số rất nhiều chuyện tương tự xuất hiện từ Ấn Độ trong thế kỷ 19. Người ta đồn đại về những đứa trẻ được đàn sói nuôi dưỡng và chúng hoàn toàn không có khả năng giao tiếp với con người sau khi được “giải cứu”.
Hiện tượng này từng được tiếp nhận một cách hết sức nghiêm túc, tới mức tờ tuần báo khoa học danh tiếng The Zoologist đã đăng một bài viết của Sleeman về đứa trẻ được sói nuôi vào năm 1888.
Những đứa trẻ được chó, sói nuôi lớn
Rudyard Kipling hẳn đã nghe về các câu chuyện như thế và không nghi ngờ gì về việc ông xây dựng nhân vật Mowgli trong cuốn The Jungle Book được ưa thích của mình dựa trên lời đồn về người rừng được sói nuôi.
Việc bộ phim The Jungle Book - Cậu bé rừng xanh - vừa ra mắt đã rất hút khách là minh chứng cho thấy câu chuyện về một đứa trẻ được động vật nuôi lớn vẫn có hấp lực trường tồn. Thực tế thì các câu chuyện xoay quanh đề tài này đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ. Một phiên bản từng xuất hiện trong thần thoại La Mã về cặp song sinh Romulus và Remus, những người không chỉ bú sữa sói để lớn lên mà còn được chim gõ kiến nuôi nấng.
Nhưng liệu những câu chuyện như thế có phải là thực? Trên thế giới này có bao nhiêu Mowgli thực sự được sói hoặc các loài động vật khác nuôi lớn? Quan trọng hơn, liệu một con vật có khả năng nuôi một con người?
Thời hiện đại đã xuất hiện nhiều câu chuyện, cho thấy động vật nuôi người dường như là khả năng có thể xảy ra, dù thực tế không hề đẹp đẽ như trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Và con người không chỉ được sói mà còn cả chó, gà, gấu, cừu và khỉ nuôi lớn. Trong số đó, sói và chó dường như là những loài có khả năng nhất.
Ví dụ kinh điển là trường hợp của Oxana Malaya, một bé gái 7 tuổi người Ukraina được phát hiện vào năm 1991 khi đang sống trong một trang trại bị bỏ hoang cùng những con chó. Cô bé đã bị cha mẹ bỏ rơi tại nơi này khoảng 5 năm về trước.
Oxana Malaya đã sống cùng một đàn chó. |
Khi được đưa về chăm sóc, Oxana đã không thể nói được tiếng người. Cô bé chạy loanh quanh bằng cả tứ chi và sủa như chó. Đáng ngại hơn, cô bé dùng lưỡi vệ sinh cho bản thân không khác gì một con chó bình thường.
Ngoài Oxana, một trường hợp khác cũng được chó nuôi là Ivan Mishukov. Cậu bé mới chỉ 4 tuổi khi bỏ trốn khỏi nhà ở Mátxcơva vào năm 1996 và được một đàn chó cho nhập hội. Ivan bé nhỏ ăn xin để có tiền mua đồ ăn và cậu bé chia sẻ lại thực phẩm với những con chó trong đàn.
Những con chó nhanh chóng tin tưởng Ivan và thậm chí còn chọn cậu bé làm thủ lĩnh. Ivan thường ngủ cùng những con chó và hơi ấm từ cơ thể của chúng đã giúp cậu bé sống sót qua mùa đông khủng khiếp của nước Nga.
Ngoài ra, những con chó còn bảo vệ Ivan trước bất kỳ kẻ nào tìm cách gây hại cậu bé. Đáng kinh ngạc là Ivan đã có 2 năm sống như vậy trước khi được cảnh sát phát hiện.
Sau 3 lần tìm cách cứu Ivan nhưng không thành, nhà chức trách cuối cùng đã dụ cả đàn đi vào một nhà hàng rồi cách ly đứa trẻ. Ivan được đưa vào một trại trẻ để điều trị, trước khi có thể đi học trở lại. Khi trưởng thành, cậu đã gia nhập quân đội Nga.
Khác với hai đứa trẻ ở trên, Amala và Kamala được những con sói nuôi lớn tại Midnapore, Ấn Độ trong những năm 1920. Mục sư Jal Singh, người điều hành một cô nhi viện trong vùng, đã giải cứu các bé gái này khỏi một hang sói. Trước đó, các bé sống cùng 3 con sói trưởng thành và 2 con non.
Khi được đưa về cô nhi viện, cả hai bé gái đều không thể đứng thẳng hay bước đi, chỉ có thể di chuyển bằng cả bốn chi. Cả hai có khả năng chạy nhanh tới mức người ta rất khó bắt giữ và thường tìm cách trốn ra ngoài.
Hai bé gái này không biết nói, chỉ thích ngồi trong bóng tối. Cả hai cũng nhìn rất tốt trong đêm đen, có khả năng nghe ngóng và đánh hơi rất giỏi. Có tin nói sau nửa đêm, cả hai thường sủa và hú lên vu vơ. Bất kỳ bộ quần áo nào được mặc lên người đều sẽ bị các bé gái xé nát.
Sau một năm kể từ khi được giải cứu, Amala đã qua đời. Nhưng Kamala thì sống sót thêm 9 năm. Cô bé đã học đứng thẳng và thậm chí còn nói được vài từ trước khi chết.
Chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng?
Không có gì lãng mạn nằm trong câu chuyện của Sujit Kumar. Cậu bé 6 tuổi người Fiji này bị gia đình nhốt trong một chuồng gà suốt 8 năm trời và sống chừng ấy năm cùng lũ gà.
Sujit Kumar có 8 năm sống với gà. |
Khi được giải cứu, Sujit thường di chuyển lòng vòng như một con gà. Cậu thích mổ vào thức ăn và tạo ra tiếng kêu lục cục như gà. Cậu cũng thích co ro ngủ trên sàn nhà thay vì nằm trên giường ấm nệm êm. Năm 2002, câu chuyện của Sujit đã tới tai một nhà hảo tâm có tên Elizabeth Clayton và người này đã đưa cậu bé về nuôi.
“Sujit tìm cách cắn mỗi khi tôi tới gần. Khi ăn, cậu bé thường đổ đồ ăn xuống sàn rồi mổ lấy mổ để”, bà Clayton kể về những ngày đầu mới tiếp xúc. Hiện cậu bé đang được nuôi tại một trung tâm chăm sóc tư nhân, nơi một nhóm gồm các tình nguyện viên và chuyên viên y tế đang giúp cậu học đi, ăn uống và nói năng trở lại như bình thường.
“Người rừng” Ssebunya (phải) và phóng viên chương trình Animal Planet. |
Về phần mình, John Ssebunya đã chạy trốn vào trong rừng rậm ở Uganda lúc mới lên 5 tuổi, sau khi chứng kiến cha giết mẹ vào năm 1988. Ở đây, John đã được một nhóm khỉ đuôi dài giải cứu khỏi nguy cơ chết đói.
Ban đầu cảnh giác, những con khỉ đã nhanh chóng nhận ra rằng John không phải là mối đe dọa nên bắt đầu cho cậu bé ăn. Chúng trao cho cậu bé khoai lang, rễ cây và các loại củ quả khác nhau. John còn được dạy cách sống sót trong rừng già Uganda, cách leo cây và tìm thức ăn với lũ khỉ.
Phải tới năm 1991, một người phụ nữ thuộc một bộ tộc mới nhìn thấy John khi đang vào rừng lấy củi và đưa cậu trở lại với cuộc sống loài người. Dân trong bộ tộc đã kinh ngạc trước cậu bé và đã tìm cách cho cậu ăn đồ nóng. Song do không quen với thực phẩm, John bị ốm nặng. Cậu bé cũng không biết nhiều thứ trong cuộc sống văn minh, như cách dùng bồn cầu.
Nhưng dưới tình cảm yêu thương của cha mẹ nuôi người Swahili là Molly và Paul, John dần được dạy cách sống như người bình thường trở lại. Cậu bé thậm chí còn học cách hát và gia nhập một dàn đồng ca nhà thờ. Cuộc sống của cậu bé còn trở thành đề tài của một bộ phim tài liệu phát trên BBC vào năm 1999.
Thế nhưng ngay cả các câu chuyện ở trên cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới khoa học.“Một đứa trẻ được động vật nuôi lớn là chuyện xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa, trải qua quãng thời gian rất dài. Tuy nhiên tôi sợ rằng ý tưởng một con vật có thể “nuôi nấng” một con người chỉ là một dạng truyền thuyết mà thôi”, bà Mary-Ann Ochota, một nhà nhân chủng học người Anh cho tờ Daily Mail biết.
Cá nhân bà Ochota đã gặp trực tiếp John Ssebunya trong một chương trình TV về trẻ được động vật nuôi lớn. Bà thấy rằng khỉ đuôi dài là loài dễ chấp nhận sự xuất hiện của con người. Ngoài ra chúng có thói quen ăn uống khá hoang phí nên John có thể sống dựa vào đồ thừa chúng bỏ lại và tưởng rằng những con khỉ đã nuôi mình.
“Khỉ không biết cho đi thực phẩm và ý tưởng chúng chia sẻ thực phẩm cứu người chỉ là một chiêu trò lãng mạn hóa sự tàn bạo của hoạt động bỏ rơi trẻ em”, bà đánh giá, đồng thời chỉ ra rằng những câu chuyện về người rừng thời hiện đại thực sự không xoay quanh các con thú, mà về tình trạng trẻ em bị lạm dụng và ngược đãi.
“Số phận của những đứa trẻ đó có thể hé lộ nhiều điều không thoải mái về cách chúng ta đối đãi với người khác. Vậy vì sao chúng ta cứ mãi kể lại và tin vào các câu chuyện về trẻ được động vật nuôi lớn? Theo tôi, chúng ta tạo ra các câu chuyện đó để cố xác định ranh giới phân biệt con người với con vật”, bà nói.
Vì thế, câu chuyện về những đứa trẻ được động vật nuôi lớn chỉ giống như các đoạn cầu, nối giữa chúng ta với vương quốc của các loài thú. Trong đó động vật được nhân bản hóa và con người thì trở nên giống những con vật hơn. Chừng nào chúng ta vẫn còn hứng thú muốn tìm hiểu mối quan hệ của mình với thế giới động vật thì các câu chuyện như thế vẫn sẽ còn tồn tại mãi.