Tại buổi đối thoại, có 3 phương án được đưa ra lấy ý kiến, thế nhưng đa số người dân đều phản đối, nhiều người bỏ về giữa chừng. Trước tình thế này, ông Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ tạm dừng dự án, tổ chức lấy ý kiến lại, sau đó có phương án triển khai cụ thể.
Đối thoại ngay từ đầu để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân là một trong những biện pháp hữu hiệu, tránh dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Thế nhưng trên thực tế, có rất ít địa phương thực hiện tốt việc này, thậm chí còn né tránh, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, gia tăng cả về quy mô và tính chất vụ việc.
Theo số liệu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đưa ra tại một phiên họp của Ủy ban thì từ năm 2015 - 2017, cả nước có hơn 11.000 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND bị khiếu kiện đến tòa án.
Điều đáng lo ngại hơn là lãnh đạo UBND nhiều nơi không tham gia đối thoại, xét xử trong các vụ án hành chính liên quan ngày càng tăng. Thực tế, trong hầu hết các vụ việc, người dân đều mong muốn được gặp gỡ, đối thoại với người đứng đầu chính quyền nhằm giải quyết một cách nhanh chóng và thấu tình, đạt lý.
Vậy nhưng, mong muốn chính đáng này - thậm chí dù đã được luật hóa thì cũng khó thực hiện. Lý giải về “cái khó” này, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã thẳng thắn: Là thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có rất nhiều việc phải làm nhưng phải ưu tiên giải quyết vấn đề bức xúc của người dân. Có lãnh đạo đến đối thoại với dân nhưng không nói câu nào. Rất nhiều địa phương, nhiều chủ tịch ở cơ sở cả nhiệm kỳ không tiếp dân...
Cũng theo quy định của luật về tiếp công dân thì thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện, không ủy quyền. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương, nhiều công việc không phải lúc nào thủ trưởng cũng tham gia đối thoại, tham gia các phiên tòa hay những vụ việc khác. Nhưng cũng có địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân định kỳ tất cả các tháng thì tại sao các tỉnh khác lại không làm được? Đây là điều đáng phải suy nghĩ và cần thiết phải có chế tài xử lý.
Đã có những cuộc đối thoại thành công. Cũng có những cuộc đối thoại chưa đạt kết quả như mong muốn. Bởi vậy, điều cần thiết ở đây là người có trách nhiệm đối thoại với dân phải trực tiếp tham gia đối thoại và đối thoại thực chất. Quan trọng nữa là không lòng vòng, né tránh hoặc chỉ thực hiện cho có, thực hiện theo kiểu hình thức, rằng chúng tôi đã đối thoại...
Như việc đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định với người dân, dù chưa đạt được kết quả nhưng những ý kiến của người dân cũng là kênh thông tin quan trọng để chính quyền xem xét trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, với mục tiêu duy nhất là mọi dự án của Nhà nước đều phải mang đến lợi ích cho người dân và phải tính toán kỹ trước khi triển khai.