(GD&TĐ) - Với mục tiêu xây dựng và phát triển một số ngành đạo tạo và trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế - giai đoạn 2008-2015, Trường Đại học Ngoại thương được đánh giá là một trong những trường đại học hội đủ các điều kiện để phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, cho đến nay đã bước đầu triển khai thành công 2 chương trình trong số 5 CTTT thuộc khối ngành kinh tế trong cả nước. Từ thực tế triển khai, chúng tôi xin đưa ra những bài học kinh nghiệm mà Đại học Ngoại thương thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu mà CTTT đã đề ra.
Chọn đối tác mạnh, phù hợp
Quyết định chọn đào tạo CTTT cử nhân kinh tế bằng tiếng Anh, Đại học Ngoại thương đã hợp tác với Đại học Tổng hợp bang Colorado (Hoa Kỳ), đại học được thành lập từ năm 1870 và nằm trong số những trường đại học đa ngành lớn nhất miền Tây và Tây Nam Hoa Kỳ. Trải qua gần 140 năm hoạt động, CSU luôn khẳng định vị trí hàng đầu của mình về chất lượng đào tạo các chuyên ngành và luôn đi tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn. CSU luôn được các tổ chức uy tín xếp hạng trong nhóm đầu các trường đại học tốt nhất tại Hoa Kỳ, nằm trong TOP100 các trường đại học tại Châu Mỹ trong bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu. Trường Kinh doanh của CSU là một trong những trường kinh doanh hàng đầu tại Hoa Kỳ. CSU cũng thuộc nhóm những trường đại học nối mạng và triển khai công nghệ thông tin hiệu quả nhất.
Với chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương cũng chọn hợp tác với Đại học Tổng hợp bang California, Fullerton (Hoa Kỳ).
Trên cơ sở phân tích chương trình gốc của các trường đối tác và so sánh với chương trình đào tạo hiện có, cả hai CTTT của Trường Đại học Ngoại thương được xây dựng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam theo nguyên tắc: bám sát nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy và cách thức đánh giá của chương trình gốc. Phần GD đại cương được điều chính hợp lý đối với SV Việt Nam để bao gồm các môn khoa học chính trị, GD thể chất, GD quốc phòng. Vì vậy, giáo trình và tài liệu cung cấp cho SV bao gồm cả các giáo trình và tài liệu đang được sử dụng cho chương trình gốc của trường đối tác và giáo trình cho các môn khoa học chính trị. Hầu hết các môn học của CTTT đều được giảng dạy bằng tiếng Anh (ngoại trừ 03 môn khoa học chính trị và 02 môn ngoại ngữ hai-tiếng Pháp). CTTT đào tạo cử nhân kinh tế cấp Bằng Đại học ngành Kinh tế với hai chuyên ngành: Kinh tế quốc tế (chuyên ngành chính) và Kinh doanh (chuyên ngành phụ). CTTT đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh cấp Bằng Đại học ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế.
Giảng đường ĐH Ngoại thương HN |
Nỗ lực khẳng định chất lượng
Để đảm bảo khả năng học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh ngay từ năm đầu tiên, chương trình đã đặt ra mức sàn về tiếng Anh là TOEIC 600, IELTS 4.5, TOEFL 450, hoặc TOEFL iBT 45. Căn cứ trên kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học và kết quả kiểm tra tiếng Anh, Hội đồng xét tuyển CTTT của nhà trường sẽ lựa chọn những SV có kết quả cao nhất và thông báo danh sách trúng tuyển. Từ khóa I (năm học 2008-2009) cho tới khóa III (năm học 2010-2011), hàng năm CTTT đào tạo cử nhân kinh tế đều tuyển được khoảng 80 SV/khóa, CTTT đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh đã tuyển sinh khóa I (năm học 2010-2011) với số lượng xấp xỉ 50 SV. Hầu hết SV trúng tuyển CTTT đều đạt điểm tiếng Anh đầu vào cao hơn khá nhiều so với điểm sàn đã quy định. Tuy nhiên, để nâng cao trình độ ngoại ngữ của SV, trong năm thứ nhất SV được học 04 môn tiếng Anh tăng cường.
Nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu hợp tác và cơ hội cho SV được nhận bằng của trường đối tác, CSU đã chính thức công nhận SV của chương trình sẽ cơ hội lấy bằng đại học của CSU nếu tham gia chương trình chuyển tiếp 1 năm cuối tại Hoa Kỳ. Theo thông tin tổng hợp từ các trường đại học tham gia CTTT, CTTT ngành Kinh tế của Đại học Ngoại thương là một trong rất ít chương trình đem lại cho SV quyền lợi này. Ngoài ra, mặc dù năm học 2010-2011 là năm học đầu tiên triển khai CTTT ngành Quản trị kinh doanh nhưng với những kinh nghiệm trong triển khai CTTT ngành Kinh tế, Đại học Ngoại thương đã bước đầu đạt được những thỏa thuận đáng kể về cơ hội cho SV được nhận bằng của CSUF.
Còn với giảng viên, tới nay sau hơn hai năm triển khai CTTT, ngành Kinh tế của Đại học Ngoại thương đã có sự tham gia giảng dạy của 14 giảng viên CSU. Bên cạnh đó, CTTT ngành Quản trị kinh doanh mặc dù mới bắt đầu triển khai năm thứ nhất nhưng các giảng viên CSUF cũng sẽ tham gia giảng dạy chương trình ngay trong học kỳ 1. Với GV của trường, để đảm bảo chất lượng Đại học Ngoại thương quy định GV tham gia CTTT đều phải có trình độ thạc sỹ trở lên, đủ năng lực chuyên môn, có năng lực NCKH và trình độ tiếng Anh, nắm vững phương pháp giảng dạy bằng tiếng Anh, sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và đều là những người tâm huyết với nghề, có trách nhiệm cao với công việc. Nhà trường cũng yêu cầu các khoa, với mỗi môn học do GV trường đối tác đảm nhận, chương trình đều đề nghị các khoa chuyên môn bố trí trợ giảng và cử GV chuyên ngành tham gia để học tập về phương pháp giảng dạy. Các tài liệu, bài giảng của GV nước ngoài cũng đều được chia sẻ với các GV chuyên môn. Đây là phương pháp hiệu quả để “chuyển giao công nghệ” từ trường đối tác sang Trường Đại học Ngoại thương và giúp GV của nhà trường có thể đảm nhận toàn bộ chương trình trong tương lai. Tới nay, các trợ giảng của chương trình đều nhận được phản ánh tốt từ các giáo sư của trường đối tác và từ SV chương trình. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV giỏi cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, hàng năm Văn phòng CTTT đều tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam về “Kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh”, kỹ năng nghiên cứu,… Bên cạnh “đào tạo tại chỗ”, trong khuôn khổ chương trình, hàng năm Đại học Ngoại thương đều cử GV của trường sang học tập và nghiên cứu tại trường đối tác. Tới nay đã có 15 GV được trao đổi theo diện này. Các GV này không chỉ tham gia giảng dạy cho CTTT mà còn cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh khác của trường và tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn trường.
Từ thực tế triển khai CTTT tại Đại học Ngoại thương cho thấy, với phương thức đào tạo tiên tiến, phát huy tính chủ động, CTTT đã tạo cho SV tính năng động, sáng tạo và tự tin. Tỷ lệ SV khá giỏi của các khóa của CTTT đều đạt trên 90% (theo đánh giá của các giảng viên CSU, đối với phần lớn các môn, kết quả học tập của SV Đại học Ngoại thương cao hơn so với các SV chính khóa tại CSU). Không chỉ đạt kết quả học tập tốt, các SV của CTTT rất tích cực tham gia và nắm vị trí chủ chốt trong nhiều câu lạc bộ của trường, trong đó đáng kể là CLB Tiếng Anh, CLB sinh viên NCKH, CLB nhà doanh nghiệp trẻ,... Chính thông qua các hoạt động cộng đồng này mà các kỹ năng về ngoại ngữ cũng như kiến thức năng động mà các SV tiếp thu được từ chương trình đã ảnh hưởng đến SV của các chương trình khác trong nhà trường. Kết quả học tập xuất sắc cùng với sự thuần thục về các kỹ năng sống đã tạo hình ảnh tốt cho CTTT, giúp việc tuyển sinh và triển khai chương trình các khóa tiếp theo được thuận lợi hơn.
TS. Đào Thu Giang
(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội)