Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dự thảo nghiêm cấm những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ. Các doanh nghiệp này cũng không được đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ.
Dự thảo cũng nghiêm cấm sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ và khách nợ, để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền. Nghiêm cấm các bên tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trái với các quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ nhân viên của các doanh nghiệp có dịch vụ đòi nợ phải “mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và có giấy giới thiệu”.
Các doanh nghiệp phải cấp trang phục cho nhân viên với mẫu thiết kế nhất định và thông báo với cơ quan công an có thẩm quyền, chính quyền địa phương về việc sử dụng trang phục này. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.
Ngoài ra, Dự thảo bỏ các điều kiện kinh doanh khác của doanh nghiệp ở lĩnh vực này, như điều kiện về vốn, về tiêu chuẩn đối với người quản lý và người lao động…, chỉ quy định điều kiện về an ninh, trật tự.
Đến hết năm 2015, cả nước có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động. Dù được cấp phép hoạt động theo pháp luật, nhưng do áp lực thu hồi nợ ăn chia phần trăm, nhiều công ty đang hoạt động sai luật hoặc dựa vào “xã hội đen”.