Đổi mới phương thức tổ chức và quản lý bán trú trong nhà trường dạy học cả ngày

GD&TĐ - Sau 5 năm tổ chức thực hiện, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục (SEQAP) ở trường Tiểu học Bản Cầm (Huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đã đi vào ổn định và phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Gấp chăn sau khi ngủ dậy của các em học sinh bán trú.
Gấp chăn sau khi ngủ dậy của các em học sinh bán trú.

Để có được những thành công trong quá trình triển khai mô hình dạy học cả ngày của SEQAP, nhà trường đã huy động các nguồn lực xã hội từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho học sinh, qua đó giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và năng lực.

Phát huy tính tích cực của học sinh

Cô Phạm Thu Hà - Hiệu trường Trường tiểu học Bản Cầm - cho biết: Trường Tiểu học Bản Cầm là một trường vùng sâu, thuộc xã đặc biệt khó khăn. Trường có trên 80% học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2010 đến nay trường Tiểu học Bản Cầm thực hiện dạy học theo mô hình dạy học cả ngày của SEQAP. Hàng năm các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn trưa bằng nguồn kinh phí của SEQAP. Trong hoạt động chuyên môn dạy và học, nhà trường thường xuyên nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Đặc biệt, nhà trường chú trọng quan tâm đến việc Đổi mới phương thức tổ chức và quản lý cho học bán trú.

Các em học sinh ở bán trú tại trường đã thực hiện tốt nội quy và thời gian biểu nội trú của nhà trường, rèn cho các em đã có thói quen, kĩ năng sống tự lập, chủ động trong học tập, vui chơi, ăn ngủ, sinh hoạt cả ngày tại trường. Thông qua các hoạt động của học sinh, nhà trường đã tổ chức, điều hành, kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả hoạt động quản lý học sinh bán trú, nội trú.

Nhà trường đã ra quyết định thành lập Ban quản lý khu bán trú, nội trú ,phân công cán bộ, GV phụ trách các hoạt động và quản lý có trách nhiệm các hoạt động quản lý mô hình bán trú, nội trú. Lãnh đạo nhà trường đã phát huy được những năng lực, sáng tạo của Ban quản lý nội trú và các giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, mở rộng, phát huy tính dân chủ, khuyến khích học sinh tham gia bàn bạc, trao đổi, sáng tạo để tìm ra những hình thức hoạt động quản lý mới. Trên cơ sở đó bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung hoạt động quản lý cho phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện của từng học sinh trong khu nội trú, bán trú trong nhà trường.

Phát huy vai trò tự quản và quyền tham gia của học sinh là cơ sở quan trọng đối với việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh bán trú, nội trú trong học tập và rèn luyện- Cô Hà nhận định.

Tạo môi trường tốt để dạy học cả ngày

Sau 5 năm thực hiện dạy học cả ngày theo mô hình của SEQAP, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hoạt động quản lý học sinh bán trú cho giáo viên và học sinh.

Hàng năm nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm về công tác quản lý học sinh bán trú, nội trú, từng bước tiến hành xây dựng và đưa ra các nội quy, thời gian biểu, quy chế thật chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng khối lớp học sinh trong khu vực bán trú nhà trường.

Ở lớp học cả ngày, thầy cô giáo có thể kiểm tra việc học của các em thường xuyên hơn, nắm được sức học của từng em và có điều kiện giúp đỡ các em, qua đó bù đắp những lỗ hổng kiến thức cho các em, giúp các em có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập.

Đối với học sinh khu bán trú, nội trú thì giáo viên vừa là người thầy, người cha, người anh, người bạn của các em. Các giáo viên luôn gần gũi, thường xuyên chia sẻ với các em để nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như chăm sóc các em lúc ốm đau, lúc trái gió trở trời... để từ đó các em an tâm hơn.

Với đặc thù của mô hình dạy học cả ngày, học sinh được học tập, ăn ngủ, sinh hoạt cả ngày tại trường nên việc tạo ra một môi trường học tập, sinh hoạt vui chơi an toàn, lành mạnh cho các em là điều rất cần thiết. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động cho các em qua đó hình thành và phát triển kĩ năng sống cho học sinh, giúp các em biết cách bảo vệ bản thân mình, không tham gia các trò chơi nguy hiểm, biết tự sinh hoạt, vui chơi, giải trí an toàn, bổ ích.

Trong môi trường dạy học cả ngày, các em học sinh được phát triển tối đa tiềm năng của mình để phục vụ bản thân, giúp đỡ những người thân trong gia đình và bạn bè, tạo cơ hội để các em được rèn luyện, phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ