PGS tâm sự: Tôi là người "đi khỏe". Có người bảo tôi tuổi con ngựa cho nên "đi khỏe". Thật vậy, tôi đã đi gần 60 lượt nước trên thế giới. Một số nước đi đi, lại lại tới 2-3 lần. Có nước ở 1 năm, có nước ở 3 năm. Như đã thành thói quen, mỗi khi đặt chân đến nước nào, công việc đầu tiên của tôi là tìm ngay đến các trường đại học nổi tiếng nhất của nước đó để tìm hiểu "nơi học đường" học hành và giảng dạy ra sao. Tôi đã đến hàng chục trường đại học nổi tiếng trên thế giới để chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Chiêm ngưỡng các trường đại học đã trở thành thói quen của tôi.
Qua nghiên cứu các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, tôi thấy có một số vấn đề cần được rút ra:
Thứ nhất: Những trường này đều có những bộ óc tổ chức rất giỏi. Đó là ban lãnh đạo của trường. Vấn đề đặt ra đối với họ là họ biết làm gì và làm như thế nào để có một trường đại học tốt.
Thứ hai: Những trường này đều xây dựng được những quy định hết sức bài bản; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các viện, khoa, phòng và chức năng, nhiệm vụ của từng loại (cấp độ) giáo viên. Ai làm tốt chức năng, nhiệm vụ thì được tuyên dương, khen thưởng bằng danh dự và tài chính. Ai làm kém sẽ bị đào thải ngay tức khắc. Ở đây, không có chuyện tùy tiện, tùy hứng, nể nang, cảm tình cá nhân.
Thứ ba: Nhà trường khuyến khích đến mức tối đa tự do, dân chủ trong nghiên cứu và giảng dạy. Giữa giáo viên và sinh viên bình đẳng về phát huy trí tuệ mỗi khi tranh luận khoa học; hoàn toàn không có sự áp đặt về vấn đề này. Vì vậy, ở đây không chỉ diễn ra cái cảnh "trò học thầy", mà còn có hiện tượng "thầy học trò", vì trong thực tế cuộc sống có cái trò biết mà thầy chưa biết, nhất là về các vấn đề tâm lý, xã hội và gia đình, cho nên mới có người gọi "thầy học trò" là như vậy.
Thứ tư: Tôi thấy những trường này rất chú trọng đến phương pháp giáo dục. Đó là phương pháp tiếp cận nội dung học, thay cho học chính nội dung đó. Tiếp cận nội dung học sẽ mang lại sự gợi mở, gợi nhớ, còn nếu học chính nội dung môn học, thì rất dễ sa vào áp đặt.
Thứ năm: Chính phủ rất quan tâm đến giáo dục, thể hiện sự giao quyền hoàn toàn cho các trường. Sự giao toàn quyền này dẫn đến cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học với nhau. Trường nào dạy chất lượng kém, tổ chức tồi, sẽ vắng bóng sinh viên, nghiên cứu sinh. Sự tiếp nhận và sự đào thải cứ thế diễn ra, thể hiện sự sàng lọc rất kỹ về trí tuệ.
Về các trường đại học của Việt Nam, PGS.TS Đàm Đức Vượng nhận định, gần đây, ở trong nước và ngoài nước đang có sự bàn tán, tranh luận nhiều. Các trường đại học của Việt Nam tốt hay không tốt? Nó đang ở trạng thái nào? Một câu hỏi không dễ tìm ra lời giải đáp. "Xem người phải ngẫm đến ta". Câu nói đó của các cụ ngày xưa, nay vẫn có thể vận dụng được.
Vào tháng 11-2008, Viện Ash, thuộc Trường J.F. Kennơđi, Đại học Havớc, Mỹ, công bố bản báo cáo dài 11 trang, phân tích về khủng hoảng giáo dục đại học Việt Nam.
Dựa trên kinh nghiệm của mình trong điều hành quản lý Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Thomas Vallely (Giám đốc Chương trình Việt Nam) và ông Ben Wilkinson, hai vị đồng tác giả của bản báo cáo, đã chỉ ra những bất cập về thể chế điều hành quản lý của hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam và đề nghị Việt Nam phải nhanh chóng cải cách thể chế giáo dục đại học bằng cách thành lập một hội đồng các trường đại học để nghiên cứu vấn đề giáo dục đại học tại Việt Nam, tham khảo mô hình giáo dục của Mỹ.
PGS.TS.Đàm Đức Vượng |
Mới đây, lại xuất hiện tiếng nói của Giáo sư N.Côbít (Neal Koblitz) thuộc Khoa Toán của Đại học Oasinhtơn (Washington, Bang Seattle), Mỹ, phê phán bản báo cáo này. Theo Giáo sư N.Côbít, thì báo cáo này có vấn đề. Ông Côbít cho rằng, phải suy nghĩ thận trọng và biện chứng về bản báo cáo này. Ông không tán thành việc lập một hội đồng các trường đại học Việt Nam, vì làm như vậy chỉ lãng phí tiền bạc của Việt Nam mà thôi. Ông cũng cho biết việc học mô hình giáo dục đại học của Mỹ cũng cần có giới hạn và có sự chọn lọc. Ông cho biết nhiều trường đại học của Mỹ vô cùng quan liêu và thu nhiều khoản chi phí hành chính rất cao. Nếu Việt Nam bắt chước cơ cấu hành chính của các nền giáo dục đại học Mỹ, thì sẽ dẫn đến kết quả hành chính quan liêu tăng vọt ở Việt Nam. Ông nói: "Điều mà tôi nghĩ rằng, nhiều người Việt Nam không muốn xảy ra". Ông khuyên Việt Nam nên học kinh nghiệm giáo dục đại học của Học viện Công nghệ Ấn Độ rất thành công trong giáo dục đại học. Ngoài ra, Đại học Oatéclô (Waterloo) của Canađa cũng có nhiều kinh nghiệm thành công nổi tiếng thế giới về vấn đề gắn giáo dục đại học với nhu cầu của các ngành, nghề và các chương trình đào tạo học việc ở bậc đại học. Còn trong lĩnh vực cao học, Mỹ có nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ thành công nhất.
Sự đánh giá của người nước ngoài và người "nước trong" về giáo dục đại học ở Việt Nam là rất khác nhau. Vậy giáo dục đại học của Việt Nam thực trạng ra sao và hướng giải quyết như thế nào? PGS.TS Đàm Đức Vượng cho rằng:
Một là: Giáo dục đại học ở Việt Nam trong những năm đổi mới tăng nhanh về số lượng các trường đại học. Các trường đại học tư phát triển nhanh. Tôi thấy các nước, trước khi nâng chất lượng giáo dục đại học, họ đều phát triển số lượng trước, từ nâng cao số lượng mới có thể nâng cao chất lượng. Vì vậy, việc phát triển số lượng các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam là rất cần thiết. Đây là một bước phát triển lớn, rất đáng khích lệ của giáo dục đại học Việt Nam.
Bên cạnh đó, giáo dục đại học Việt Nam cũng như giáo dục và đào tạo nói chung, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, dẫn đến chất lượng giảng dạy và chất lượng học tập thấp.
Hai là: Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy. Qua cuộc thăm dò dư luận xã hội, trên 50% sinh viên nói là chất lượng giảng dạy có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, còn không ít giảng viên giảng dạy chất lượng thấp mà nguyên chủ yếu là khả năng nghiên cứu yếu dẫn đến giảng dạy yếu. Đội ngũ giáo viên hiện nay đang trong tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu, thiếu những người có năng lực nghiên cứu và giảng dạy, thừa những người không hội đủ những tiêu chuẩn giảng dạy mà vẫn lên bục giảng.
Ba là: Giáo trình, giáo án về khoa học xã hội nói chung để giảng dạy đại học, nhiều người nói rằng, cần phải sửa chữa, bổ sung, vì nó vẫn mang tính chất chốt lại về nội dung, mà không mang tính chất gợi mở về nội dung. Đây là điểm hạn chế nhất của các giáo trình, giáo án cần phải khắc phục.
Để đưa giáo dục đại học ở Việt Nam có những bước phát triển mới, chúng ta cần phải suy nhiều, trăn trở nhiều với nó. Từ Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam là Quốc Tử Giám năm xưa đến nay đất nước đã có cả một "cơ ngơi đại học". Đó là niềm tự hào Việt Nam. Trước kia, sống dưới chế độ thực dân, phong kiến, con em nhân dân lao động có mơ cũng không thấy trường đại học. Đến nay, con em nhân dân lao động đã ung dung bước vào mái trường đại học với tư thế hiên ngang và tự hào. Đây là kết quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mang lại. Giảng đường đại học nếu được "nâng cấp" về tư duy khoa học giáo dục sẽ phát tiết ra những anh tài.
Để cho giáo dục đại học ở Việt Nam có những bước phát triển mới về chất, theo PGS Vượng, nên tập trung giải quyết vấn đề đổi mới theo hướng: (1) Về mặt quan điểm nhận thức, cần xác định lại tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển tốt hệ đào tạo trên đại học để tạo ra một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học và kỹ thuật có trình độ cao và hệ bồi dưỡng sau đại học để giúp những người đã tốt nghiệp đại học không ngừng mở rộng kiến thức và trau dồi nghiệp vụ, như Nghị quyết 14-NQ/TW, ngày 11-1-1979 của Bộ Chính trị Khóa IV đã chỉ ra. (2) Giao quyền tự quản cho các trường đại học, thực hiện trên cơ sở các chính sách của Nhà nước quy định. (3) Đổi mới nội dung giáo dục đại học, tiếp cận bằng phương pháp giảng dạy gợi mở, thay cho phương pháp giảng dạy chốt lại như hiện nay vẫn áp dụng. (4) Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý giáo dục đại học, vì đây là lực lượng cốt cán trong sự nghiệp giáo dục, góp phần quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Lực lượng này phải là những người tiêu biểu của đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa, có trình độ chuyên môn giỏi. Muốn vậy, vấn đề trước tiên là phải tạo điều kiện có chính sách cụ thể rõ ràng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đại học; có chính sách khen thưởng thích đáng, nhằm khuyến khích những người gương mẫu, tận tâm với nghề nghiệp, được sinh viên, đồng nghiệp và nhân dân tín nhiệm. (5) Đổi mới chương trình dạy và chương trình học và biên soạn sách giáo khoa mới. (6) Tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư cho giáo dục đại học; kiện toàn tổ chức quản lý và tăng cường công tác quản lý của ngành giáo dục; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học giáo dục. (7) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng; động viên toàn Đảng, toàn dân tham gia vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đây là vấn đề tư tưởng có ý nghĩa quyết định, nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả trong công tác đổi mới giáo dục.
Khẳng định Đổi mới giáo dục đại học là một cuộc cách mạng sâu sắc nhất, nó gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đây là cuộc đọ sức mạnh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, tổ chức, PGS.Vượng thể hiện niềm tin với trí tuệ của nhân dân Việt Nam và các nhà khoa học, nhà giáo dục Việt Nam, nền giáo dục đại học của đất nước nhất định sẽ vượt qua khó khăn, từng bước tiến lên vững chắc.
Hiếu Nguyễn (ghi)