Vậy người học thực sự cần gì sau 4 năm học đại học? Thực tế cho thấy, sinh viên đều mong muốn khi tốt nghiệp sẽ có việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo. Nhưng cách thức và nội dung đào tạo theo một nhịp độ đều đều, truyền thống của các trường đại học dường như không ăn khớp với nhu cầu về nhân lực luôn biến động ngoài xã hội.
Và những câu hỏi: Làm thế nào để (ít nhất là) giảm tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân đại học? Đổi mới chất lượng giáo dục đại học như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tế?... luôn là thách thức đối với không chỉ các trường đại học mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội.
Trong bối cảnh chung đó, với tầm nhìn chiến lược, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã có định hướng đúng và khởi động sớm việc đổi mới. Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ban hành đã tiếp thêm động lực cho nhà trường quyết tâm thực hiện.
Bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm và tư tưởng giảng dạy của giáo viên. Rồi một loạt công việc liên quan đến chương trình đào tạo, đề cương giảng dạy, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá người học.
Sức ỳ vì ngại đổi mới trong một bộ phận giáo viên cũng là một trở lực không nhỏ. Bởi theo chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD - ĐT và đề cương chi tiết môn học theo chuẩn AUN - QA thì giờ học đổi mới bây giờ khác xa giờ học truyền thống trước kia. Giảng viên vất vả hơn, mất nhiều công sức hơn để chuẩn bị bài giảng, và trên lớp chỉ tung vấn đề, định hướng cho sinh viên tự tìm hiểu, thảo luận rồi rút ra cách giải quyết, như ThS. Phạm Thị Hoàng Điệp - giảng viên Khoa Du lịch chia sẻ:“...ngoài thời gian trên giảng đường, giảng viên còn phải làm việc tại nhà để chuẩn bị câu hỏi cho phần trình bày của mỗi nhóm sinh viên, rồi hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập trên lớp và tìm hiểu các vấn đề thực tế. Dù có cùng một đề cương chi tiết thì với mỗi lớp lại phải có những điều chỉnh nhất định, nói thật là rất bận và mệt. Phương pháp mới cũng dễ làm “cháy” giáo án vì sinh viên nhiều khi tranh luận với nhau rất quyết liệt, nếu lớp học quá đông thì khó đảm bảo được tiến độ thời gian”.
Cả việc thay đổi suy nghĩ và cách thức tiếp thu bài của người học cũng không hề đơn giản, bởi sinh viên đã quen với cách tư duy đọc chép thụ động, thầy giáo là trung tâm, là tất cả...
Vượt qua mọi khó khăn, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã đưa vào nghiệm thu giai đoạn 1 với 172 đề cương chi tiết môn học theo chuẩn AUN - QA, trong số đó có 26 đề cương chi tiết đã được tổ chức giảng dạy trên lớp và nhận được sự hưởng ứng, tương tác tích cực từ phía sinh viên. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc đổi mới giáo dục đại học của Đại học Dân lập Hải Phòng đã đi đúng hướng, dần đáp ứng được nhu cầu thực sự của người học.
Trên hành trình đổi mới giáo dục này, nhiều thầy cô giáo nhà trường không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đương đầu với thử thách, dám bỏ lối mòn cũ để chuyển sang khai phá một con đường mới, như cô Nguyễn Thị Thanh Thoan - Khoa Công nghệ thông tin, cô Vũ Thị Thanh Hương và cô Phạm Thị Hoàng Điệp - Khoa Du lịch, thầy Ngô Quốc Hưng bộ môn Giáo dục Thể chất...
Cách thức giảng dạy mới, có tính khoa học cao và hướng đến sinh viên cùng sự tận tâm với nghề, thân thiện nhiệt tình của các thầy cô đã giúp sinh viên hứng khởi trong học tập, thêm quyết tâm rèn luyện tay nghề, chuẩn bị cho tương lai.
Chia sẻ cảm nhận của mình về cách học mới, sinh viên Dương Thanh Hương học ngành Du lịch của trường cho biết: “Ở cách dạy và học mới này, em luôn phải chú tâm theo sát từng tiết học, chủ động kết nối với thực tế ngành nghề của bản thân, phải biết tư duy và suy luận logic khi giải quyết một nhiệm vụ học tập”.
Còn sinh viên Nguyễn Khắc Cường, ngành Công nghệ thông tin cũng đồng tình với nhận xét trên và nhấn mạnh đến những thách thức đối với mỗi sinh viên: “Cách học mới không chấp nhận sinh viên lười học, ai cũng phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để tìm tòi, học hỏi thêm, để giải quyết được vấn đề của nghề nghiệp thực tế”.
Vâng, giảng dạy như thế nào, học tập ra sao thì đích đến cuối cùng của các kỹ sư, cử nhân khi ra đời cũng là “giải quyết được vấn đề của nghề nghiệp thực tế”, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để đi đến đích đó, các giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã và đang cố gắng không ngừng nghỉ, để góp cho bức tranh giáo dục đại học Việt Nam có thêm những gam màu mới, tươi sáng hơn.
Xem Thông tin tuyển sinh ĐH Dân lập Hải Phòng tại đây