GDQP-AN trong tình hình mới
Ngày nay, trong điều kiện mới, chúng ta đang có những vận hội mới và thời cơ mới để phát triển đất nước nhưng cũng đang trực tiếp đối mặt trước những thách thức không nhỏ. Nhiệm vụ quốc phòng an ninh và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thì yêu cầu giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh gắn với học tập, nghiên cứu để “dân ta phải biết sử ta” là một yêu cầu vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài trong sự nghiệp “trồng người” của đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu trên, Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo GDQP-AN năm 2010 và những năm tiếp theo nhằm thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về vấn đề này. Đặc biệt để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội khóa XIII đã ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh”; trong đó quy định: “GDQP-AN trong trường THPT, TCCN, TCN là môn học chính khóa”. Tại các Điều 12 và 13 của Luật cũng quy định “GDQP-AN trong trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học và người học trong các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là môn học chính khóa”.
Như vậy, đổi mới với bộ môn này trước hết là khẳng định vị trí mục tiêu, yêu cầu của môn học trong chương trình, giáo trình của hệ thống giáo dục quốc dân trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các môn học chính trị xã hội khác, đặc biệt là môn học Lịch sử để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống trong đó tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện môn học GDQP-AN
Bác Hồ đã có lời căn dặn bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, khẳng định quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta trong mấy ngàn năm lịch sử cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó thế hệ trẻ Việt Nam luôn giữ vị trí, ý nghĩa quyết định.
Kế thừa truyền thống của dân tộc, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng ta trong giai đoạn đổi mới hiện nay luôn đặt thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam, đặt biệt là HSSV là trung tâm của sự phát triển như Bác Hồ luôn mong đợi: “Đất nước Việt Nam có được vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không phần lớn nhờ vào công học tập của các cháu”.
Theo đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt giáo dục là “quốc sách hàng đầu” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ngày 4/11/2013, tại Hội nghị T.Ư 8, Khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT với mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản mạnh mẽ về chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.
Một lần nữa Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó lấy giáo dục, đào tạo đội ngũ thanh thiếu niên, HSSV trong các nhà trường trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân của cả hệ thống chính trị; Với triết lý giáo dục “dạy để làm người” và con người đó trước hết phải là người Việt Nam “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, đoàn kết tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước tình hình chính trị, kinh tế thế giới và của khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước tình hình an ninh trật tự có những diễn biến mới, các thế lực thù địch phản động gia tăng... Đổi mới GDQP-AN trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay; nhằm chủ động xây dựng, giữ vững nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng đối với thế hệ trẻ trong nhà trường, cho HSSV, qua đó để góp phần chủ động xây dựng duy trì thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tạo chuyển biến “căn bản, toàn diện” môn học GDQP-AN, đối với mỗi cấp, ngành cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về: Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới để toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác giáo dục có nhận thức đầy đủ, thống nhất về vai trò, vị trí quan trọng của GDQP-AN cho HSSV trong hệ thống các môn học, làm cơ sở lý luận cho việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo, đánh giá sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và quy định của pháp luật về giáo dục và GDQP-AN tại cơ quan, đơn vị mình; kịp thời điều chỉnh kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, ban hành theo thẩm quyền các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật GDQP-AN và các văn bản pháp luật có liên quan đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật.
Bộ GD&ĐT cần tích cực triển khai đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đã được xác định trong Nghị quyết số 29, trong đó chú trọng thực hiện quan điểm chỉ đạo: Phát triển GD&ĐT gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc và thực hiện mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”.