Đổi mới đề tuyển sinh môn Ngữ văn vào trường THPT tại TP HCM theo hướng đánh giá năng lực

GD&TĐ - Trên cơ sở cân nhắc sự kết hợp hai quan điểm đánh giá truyền thống và đổi mới, chúng tôi định hình phương hướng cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 như sau:

Ảnh: MH
Ảnh: MH

· Bài thi vẫn được thực hiện trên giấy với thời lượng 120 phút vào cuối năm học lớp 9.

·Đề thi và đáp án trong những năm sắp đến vẫn theo qui định của hệ thống, chưa thể giao hoàn toàn cho người dạy và người học chủ động.

·Việc lựa chọn câu hỏi và tiêu chí đánh giá được nêu rõ từ trước.·Tập trung vào năng lực thực tế là chính, bên cạnh đó vẫn có những nội dung cụ thể dựa vào kiến thức sách vở.

Từ phương hướng trên, chúng tôi xác định các năng lực cụ thể cần đánh giá sẽ là:

·  Năng lực tái hiện và vận dụng kiến thức.

·  Năng lực đọc – hiểu, giải mã văn bản.

·  Năng lực sáng tạo.

·  Năng lực tạo lập văn bản.

Hướng đổi mới đề thi theo Bảng 2Bảng 3 sau:

Bảng 2: Nội dung đổi mới đề thi môn Ngữ Văn tuyển sinh lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực

Năng lực cần đánh giá

Hình thức

Mục đích

Điểm

Năng lực tái hiện và vận dụng kiến thức

Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm khách quan hoặc câu hỏi tự luận ngắn về Văn học và Tiếng Việt đã học.

Đánh giá khả năng ghi nhớ, nhận biết, tái hiện và vận dụng các đơn vị kiến thức cơ bản, cần thiết, nền tảng đã học về văn học và Tiếng Việt.

20

Năng lực sáng tạo

- Viết đoạn văn tự sự, miêu tả, nghị luận với phương pháp, kĩ năng, cách đọc hiểu và vận dụng kiến thức mới lạ, độc đáo về Văn học và Tiếng Việt.

- Sáng tác câu thơ, bài thơ.

- Đặt một nhan đề mới; hoàn thành văn bản với một kết thúc mới.

- Đánh giá năng lực tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Khả năng thể hiện quan điểm cá nhân và năng lực bản thân.

- Đánh giá khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng từ nhiều lĩnh vực, môn học.

10

Năng lực đọc – hiểu, giải mã văn bản

Trả lời các câu trắc nghiệm khách quan hoặc câu hỏi tự luận ngắn về các văn bản hư cấu và phi hư cấu đã học trong sách giáo khoa hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa có chủ đề tương tự, phù hợp.

- Đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng, phương pháp để đọc hiểu, tiếp nhận văn bản với các thể loại khác nhau.

- Đánh giá năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic.

30

Năng lực tạo lập văn bản

- Viết bài NLXH ngắn về một tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống gần gũi, phù hợp lứa tuổi HS.

- Viết bài NLVH ngắn về đoạn thơ, câu thơ; một ý hay trong một bài thơ, một tác phẩm tự sự trong hoặc ngoài sách giáo khoa.

- Triển khai một luận điểm cho sẵn về một vấn đề xã hội hoặc văn học.

- Đánh giá năng lực cảm thụ thẩm mĩ; năng lực sử dụng tiếng Việt để bộc lộ, biểu đạt tư tưởng, tình cảm.

- Đánh giá khả năng thu thập, xử lí thông tin và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống.

- Đánh giá khả năng nhận thức, khám phá bản thân và thế giới xung quanh; khả năng thấu hiểu các giá trị nhân văn.

40

Tổng cộng

100

Thang đánh giá

· Mức độ cao (80 điểm đến 100 điểm)

· Mức độ khá (66 điểm đến 79 điểm)

· Mức độ trung bình (50 điểm đến 65 điểm)

· Mức độ thấp (< 50 điểm)

Với cấu trúc như vậy, đề thi sẽ bao gồm các nội dung cụ thể sau:

Bảng 3: Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn tuyển sinh lớp 10 theo hướng đổi mới

CÂU

NỘI DUNG

SỐ CÂU CỤ THỂ

ĐIỂM

1

Kiểm tra kiến thức văn học đã học

1.1 đến 1.2

10

2

Kiểm tra kiến thức Tiếng Việt đã học

2.1 đến 2.2

10

3

Đọc hiểu văn bản phi hư cấu

3.1 đến 3.5

10

4

Đọc hiểu văn bản hư cấu theo thể loại trữ tình

4.1 đến 4.5

10

5

Đọc hiểu văn bản hư cấu theo thể loại tự sự

5.1 đến 5.5

10

6

Sáng tạo một bộ phận văn bản

10

7

Tạo lập văn bản nghị luận xã hội

20

8

Tạo lập văn bản nghị luận văn học

  20    

ĐỀ THI MINH HỌA

Câu 1(10 điểm)

1.1 (5,0 điểm): Hình ảnh sau gợi cho em nghĩ đến tác phẩm nào đã học trong chương trình Ngữ văn 9? Hãy cho biết tác giả và xuất xứ của tác phẩm ấy.

a. Mẹ hiền dạy con, Ôn Như Văn Ngọc và Trần Lê Nhân dịch từ Liệt nữ truyện của Trung Quốc.

b.Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, trong Truyền kì mạn lục.

c.Nói với con của Y Phương, trong Thơ Việt Nam 1945 - 1985.

d. Bếp lửa của Bằng Việt, trong Hương cây – Bếp lửa.

   1.2 (5,0 điểm): Hãy chép chính xác hai câu cuối trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Hai câu thơ ấy cho em biết phẩm chất gì của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn? 

a. Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Phẩm chất của người lính lái xe: Yêu nước.

b. Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi. Phẩm chất của người lính lái xe: dũng cảm, gan dạ.

c. Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời,nhìn thẳng. Phẩm chất của người lính lái xe: lạc quan, yêu đời.

d. Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới/ Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.Phẩm chất của người lính lái xe: vui tươi, đoàn kết.

Câu 2 (10 điểm)

2.1 (5,0 điểm) Hãy kể tên một phương châm hội thoại đã học. Ghi lại một câu ca dao, tục ngữ liên quan đến phương châm hội thoại ấy.

2.2 (5,0 điểm) Tìm thành phần phụ chú trong đoạn trích sau và cho biết chúng bổ sung điều gì?

Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thật sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.  (Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới –Vũ Khoan)

Câu 3 (10 điểm) Đọc văn bản sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:

(…) “Đốt” thời gian trên “phây”

Vừa ra chơi, nhiều nhóm học sinh (HS) trường THPT X (TP.HCM) cùng tụm đầu vào những chiếc điện thoại cài ứng dụng “phây” (Facebook) để "tám" về một trạng thái nào đó được chia sẻ mà nhiều HS quan tâm. Họ cùng bàn luận, phân tích những nội dung, hình ảnh hay những comment (bình luận) mới vừa được đưa lên. 

Có bạn còn tranh thủ luôn giờ nghỉ giải lao chỉ vài phút để đưa lên những trạng thái mới hoặc gửi đi phản hồi nào đó ngay trên điện thoại của mình. (…) Ngọc Tuyết cho biết, hôm nào lớp hoặc nhóm có hoạt động, sự kiện chung gì đổ lên Facebook thì nhiều bạn trong lớp đều thức rất khuya để cập nhật, phản hồi liên tục. 

“Nhiều hôm em nhắc mình đúng 12 giờ là đi ngủ nhưng lại ráng thêm chút, gửi đi gửi lại thì đã đến 1 - 2 giờ sáng. Lên “phây” là cách “giết” thời gian hiệu nghiệm nhất, mỗi ngày em mất 3 - 4 giờ cho nó”, Tuyết bộc bạch. Không ít HS xem Facebook là nhật ký hàng ngày của mình nên mọi hoạt động ăn chơi, ngủ nghỉ đều cập nhật liên tục. Có em còn dành nhiều thời gian chăm sóc, tỉa tót, chú trọng đến từng bức ảnh, từng nét trang trí… để gây sự chú ý. 

Phó hiệu trưởng một trường phổ thông ở Q.3, TPHCM cho hay, nếu cách đây vài năm có một bộ phận học trò đến lớp với tinh thần mệt mỏi, lờ đờ, nằm rạp trên bàn vì nghiện game online thì bây giờ bộ phận này có thêm các em nghiện Facebook, kể cả HS giỏi. Dùng Facebook có thể không nguy hiểm như game online nhưng các em tham gia thiếu kiểm soát thì tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học và cũng không thích thú với các hoạt động xã hội.

Phải biết làm chủ bản thân

Nhiều phụ huynh đau đầu khi nhìn con mê mẩn “đốt” thời gian với Facebook. Có người phải dùng đến biện pháp mạnh như cắt tiền tiêu của con, cắt internet hay tìm đến các phần mềm ngăn chặn con vào Facebook. 

Bà Lê Minh Hoa (chuyên viên đài 1080) cho hay bản thân bà gặp rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ cho rằng nghiện Facebook là điều không đáng lo ngại nhưng các bạn chưa biết cách làm chủ bản thân. Thường thì khi vào Facebook rồi các bạn dễ bị lôi cuốn theo và quên luôn thời gian nên cần trước hết phải chủ động cài báo thức, hoặc nhờ người thân nhắc nhở mình. 

Không phủ nhận những tiện ích của Facebook trong việc chia sẻ, kết nối nhưng ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng Facebook là một "mê cung" có sức mê hoặc rất lớn mà nếu thiếu kiểm soát thì rất dễ bị lôi cuốn bởi những giá trị ảo. Khi người dùng thiếu tự chủ thì Facebook trở thành “kẻ cắp” thời gian, sức khỏe. Bởi thế, mỗi người phải biết đặt ra những quy tắc như mỗi ngày chỉ vào 1 hay 2 giờ đồng hồ trong khoảng thời gian nào đó nhất định để tạo thành một thói quen. 

Đối với phụ huynh, theo các chuyên gia, việc cấm cản kịch liệt con dùng Facebook chưa phải là biện pháp phù hợp mà cần giúp con sử dụng đúng cách, đúng mức vì chúng có những tiện ích không thể phủ nhận. Phụ huynh cần có những quy ước với con trẻ như vào Facebook trong thời gian bao lâu, tránh những phát ngôn về chửi bới, nhục mạ hay bêu xấu người khác, biết chọn lọc những điều hay trên mạng xã hội… Nếu con vi phạm thì áp dụng những cách xử lý hay hình phạt nào để trẻ biết giới hạn của mình. 

Đồng thời cha mẹ phải cùng con xây dựng những mục tiêu, công việc cụ thể trong học tập và cuộc sống thì khi đó dù có ham vui nhưng trẻ vẫn hiểu trách nhiệm với bản thân và cả mọi người xung quanh.

(Theo Hoài Nam – Báo Mực Tím online)

3.1 Văn bản trên chủ yếu đề cập đến vấn đề gì?

3.2 Hãy chỉ ra một lí do lên facebook của các bạn trẻ trong văn bản trên.

3.3 Theo bài viết, việc “nghiện” facebook đã gây ra những hậu quả gì?

3.4 Giải pháp phù hợp mà cha mẹ nên có để giúp con mình không “nghiện” facebook là gì?

3.5  Em học tập được gì sau khi đọc văn bản trên?

Câu 4 (10 điểm) Đọc văn bản sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới

“Trong sóng có người gọi con:

"Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao".

Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được ?".

Họ nói: "Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi".

Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được ?”.

Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.

Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.”

(Mây và sóng, R.Ta-go, SGK Ngữ Văn 9, tập hai, tr. 87)

4.1 Chỉ ra một nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn thơ trên.

4.2 Nêu nội dung của đoạn thơ trên.

4.3 Kể tên một tác phẩm đã học trong chương trình lớp 9 có cùng chủ đề với đoạn thơ trên.

4.4 Chỉ ra sự khác nhau giữa cuộc vui của những người ở “trong sóng” và trò chơi do em bé tạo ra?

4.5 Vì sao em bé trong bài thơ cho rằng trò chơi của mình hay hơn cả cuộc vui của những người ở “trong sóng”?

Câu 5 (10 điểm) Đọc văn bản sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới.

“Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa ! Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước. Ông kĩ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá. (…) Hay là, đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy. 

Có thể nói đồng chí ấy trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra. Như thế mười một năm. Mười một năm không một ngày xa cơ quan. Không đi đến đâu mà tìm vợ. Đồng chí cứ sợ nhỡ có sét lại vắng mặt mình. Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi.”

(trích “Lặng lẽ Sa Pa” – Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một, tr.186)

5.1 Đây là lời nhân vật anh thanh niên nói với ai, trong tình huống nào?

5.2 Người kể chuyện trong văn bản tự sự trên là ai ?

5.3 Phương thức trần thuật nào được sử dụng trong đoạn văn trên?

5.4 Trong đoạn văn trên, nhân vật anh thanh niên bày tỏ thái độ xót xa, cảm thông sâu sắc cho hoàn cảnh của ai?

5.5 Đoạn văn trên chủ yếu thể hiện phẩm chất gì của nhân vật anh thanh niên?

Câu 6 (10 điểm) Hãy đặt nhan đề cho văn bản sau:

Hai đứa trẻ nọ có một người cha nghèo khổ, thất học. Ông ấy chỉ biết bắt con mình làm việc vất vả mỗi ngày mà không nghĩ đến việc trao cho chúng cơ hội học hành để thoát khỏi cảnh sống hiện tại. Năm tháng qua đi, hai cậu đã lớn và mỗi người có một cuộc sống của riêng mình.

Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài nghiên cứu "Tác động của hoàn cảnh đến con người" đã tìm đến hai người. Một người giờ đây đã trở thành phiên bản mới của cha cậu ngày xưa: thất học, đói rách, bắt con cái làm việc quần quật. Còn người kia lại là một trong những người đi đầu trong phong trào xóa mù chữ, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển.

Nhà tâm lý học hỏi hai người cùng một câu: “Tại sao anh trở thành người như thế?”

Thật bất ngờ, cả hai cùng đưa ra một câu trả lời: “Sống trong hoàn cảnh như vậy, đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này rồi.”.   (Sưu tầm từ Internet)

Câu 7 (20 điểm)

Có một "nghề" không bao giờ nghỉ lễ

Đó chính là "nghề" làm Cha Mẹ.

Hãy phụ giúp Người dù cánh tay nhỏ bé, dù túi tiền không đầy, dù cách xa hàng trăm kilômét ...

Vẫn luôn luôn có cách để Người vui.

 (trích từ Facebook của Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu)

Hãy viết đoạn văn ngắn (từ 10 đến 15 câu) trình bày cảm xúc và suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ văn bản trên.

Câu 8(20 điểm)

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

(trích “Sang thu” – Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập hai, tr.70)

Viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) về một nội dung hoặc nét nghệ thuật mà em yêu thích trong đoạn thơ trên.

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, bước đầu việc đổi mới đề thi không nên gây xáo trộn quá nhiều đến quá trình học của HS. Cho nên đề thi minh họa trên có sự hòa phối giữa kiến thức trong sách giáo khoa và một số văn bản ngoài chương trình với một mức độ vừa phải. 

Nhưng sau khi có chương trình mới, chắc chắc sẽ phải có những thay đổi triệt để hơn. 

Đây cũng chỉ là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi. Để có một đề thi tốt, đúng định hướng đánh giá năng lực là cả một quá trình khó khăn. 

Điều này đòi hỏi sự xác định đúng các phương diện năng lực Ngữ văn cụ thể cần rèn luyện cho HS trong quá trình dạy học, việc lựa chọn các nội dung phù hợp với các năng lực cần kiểm tra cũng như mô tả chính xác, cụ thể các năng lực đó theo các mức hợp lí để đánh giá chính xác. 

Chúng tôi luôn mong nhận được những đóng góp chân thành, uy tín để hoàn thiện dần phương án ra đề thi này nhằm áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trong niên khóa 2015 – 2016. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.