(GD&TĐ) - Ngày 30/12, tại trường ĐH Kinh tế TP. HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học tâm huyết đã đặt ra những vấn đề “nóng” cũng như “hiến kế” để hướng đến mục tiêu Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà...
Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga, đại diện các Vụ, Cục trực thuộc Bộ cùng các nhà giáo, nhà khoa học đã và đang công tác trong ngành giáo dục.
Quang cảnh Hội thảo |
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm, tìm giải pháp thực hiện trong thời gian qua. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nhiều nhóm giải pháp, trong đó những vấn đề “nóng” được đặt ra là làm sao giáo dục phải đổi mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu hướng đến là làm sao để cung cấp nguồn nhân lực có đủ trình độ, năng lực đáp ứng Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2012 của Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá mang tính chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm KT-XH phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững…
Theo PGS. TS Trần Văn Thiện- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực cho biết: “Đổi mới toàn diện GD& ĐT nước ta là nhiệm vụ cấp thiết, không thể trì hoãn. Nếu chúng ta không xác định được một lộ trình khoa học, không có sự chuẩn bị chu đáo về nhận thức, kiến thức, phương pháp thực hiện và các nguồn lực cần thiết thí rất khó thành công. Yếu tố con người rất quan trọng, nếu không có con người tâm huyết, có kinh nghiệm và trình độ cần thiết thì đề án có thể sẽ khó thực hiện. Cần phải có một kiến trúc sư chỉ huy trực tiếp có uy tín cao… Đổi mới cần có quá trình, không thể muốn là có ngay đề án hoàn chỉnh được, điều đó không có nghĩa là chúng ta từ từ mà phải bắt tay làm ngay vào những công việc cụ thể. Tiếp đến là đánh giá được GDĐT chúng ta hiện nay đang ở đâu? So với nhu cầu và so với các nước khác chúng ta đang tụt hậu gì? Nguyên nhân cũng như tồn tại? Những gì đang cản trở? Chúng ta hướng tới mục tiêu cốt lõi nào?...”.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ, then chốt là đổi mới từ Trung ương đến địa phương. Bộ cần thực hiện rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ trong cả nước… Nhiều đại biểu đã “hiến kế” một số phương án như phải tái cấu trúc lại bộ máy tổ chức của Bộ GDĐT, Bộ máy của Bộ nên gọn nhẹ, từ đó mới có thể đổi mới mạnh mẽ GDĐT. Song song đó cần đổi mới cơ chế quản lý của Bộ đối với các trường theo hướng phân cấp quản lý mạnh mẽ, chuyển bớt một số mãng công việc cho các trường trên cơ sở tăng tính tự chủ, sáng tạo cho các trường. “Nên chăng Bộ GDĐT có thể lựa chọn ra 3 trường ĐH để xây dựng 3 mô hình đổi mới cho 3 miền: Bắc- Trung- Nam. Ở những trường này sẽ áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho đổi mới triệt để, từ đó điều chỉnh chính sách và nhân rộng ra toàn quốc…”, PGS. TS Trần Văn Thiện đề xuất.
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo |
Một số đại biểu đề nghị bên cạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường Bộ cần tập trung quản lý chặt chẽ các trường ĐH, sau ĐH về quy mô, chất lượng. Kiên quyết các trường có cơ sở vật chất, đội ngũ như thế nào thì tuyển sinh như thế ấy. Theo TS Hà Văn Sơn thì cần xác định vấn đề đổi mới ở khâu then chốt như thế nào? Ở người thầy, chương trình sách giáo khoa hay cơ sở vật chất. Trước tiên chúng ta cần phải tập trung nguồn lực vào cho chương trình sách giáo khoa, sau đó đến người thầy- chủ thể quyết định quá trình đào tạo. Người thầy cần có đời sống ổn định, lương cao nhưng trách nhiệm cũng lớn, phải đạt trình độ, phải dạy giỏi, nghiên cứu khoa học, nếu không sẽ bị loại, vấn đề tiếp theo là đầu tư cơ sở vật chất.
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa cũng đưa ra một vài so sánh về ĐH tư thục vì lợi nhuận và ĐH phi lợi nhuận. Theo ông mục tiêu quan trọng nhất của đa dạng hóa loại hình ĐH thì cần tham khảo loại hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận, góp phần đa dạng hóa quản trị nội bộ của trường ĐH, hướng tới dân chủ hóa và minh bạch các quản lý nhà trường, giúp xác định mục tiêu phát triển của nhà trường không chỉ vì lợi nhuận của các thành viên góp vốn mà còn đại diện cho lợi ích của tập thể, giảng viên và của các thế hệ SV. Trên thực tế các ĐH lớn trên thế giới như ở Anh, Đức, Pháp, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc đều dựa chủ yếu vào các trường ĐH công lập và tư thục không vì lợi nhuận, trong khi vai trò của các trường ĐH vì lợi nhuận tương đối hạn chế…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu. Theo đó các ý kiến từ hội thảo rất quan trọng, từ những ý kiến đóng góp này sẽ đưa vào văn bản.
“Đây là chủ trương của Ban cán sự Đảng Bộ GDĐT kết hợp ban Tuyên giáo Trung ương để chuẩn bị nội dung cho hội nghị Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT được tổ chức trong thời gian tới...”, Thứ trưởng Ga cho biết.
Nguyễn Quốc Ngữ