(GD&TĐ)-Theo một nghiên cứu trên phạm vi hẹp tại trường CĐ cộng đồng Hải Phòng, càng những sinh viên năm sau, sự hứng thú với môn học càng giảm đi; thậm chí có một bộ phận sinh viên không thấy hứng thú với bất kỳ môn nào trong chương trình học. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này được cho là từ phương pháp giảng dạy.
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái |
Sinh viên ít hứng thú với môn học
Giảng viên Nguyễn Nam Phong – Trường CĐ cộng đồng Hải Phòng cho biết có sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi, quan sát, phỏng vấn đối với 40 giảng viên và 156 sinh viên trong trường. Kết quả cho thấy, nhóm phương pháp được sử dụng nhiều nhất là phương pháp thuyết trình và phương pháp sử dụng sách giáo khoa và tài liệu. Nhóm phương pháp dạy học thực hành xếp thứ 2 nhưng lại chủ yếu thông qua hai phương pháp chính là ôn tập và luyện tập.
Xếp bậc thấp nhất là các phương pháp trong nhóm trực quan, nhiều giảng viên chọn “chưa bao giờ” trong việc thực hiện các phương pháp dạy học này trong bài giảng của mình. Cũng theo kết quả điều tra này, đa số sinh viên (chiếm gần 56%) thấy hứng thú với số ít môn học trong chương trình. Đặc biệt, gần 5,8% sinh viên không thấy hứng thú với môn nào trong chương trình học.
Điều đáng lưu ý, càng những sinh viên năm sau, sự hứng thú với môn học càng giảm đi. Giảng viên Nguyễn Nam Phong cho rằng, đây là một trong những hệ quả trực tiếp từ việc giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học thiếu yếu tố đổi mới, thiếu sự sáng tạo và tích cực.
Mặc dù chỉ là khảo sát trên diện hẹp, nhưng thực trạng này không phải chỉ tồn tại chỉ ở trường CĐ cộng đồng Hải Phòng. Nhiều giảng viên cho rằng, trong quá trình chuyển đổi sang học chế tín chỉ tại các trường ĐH, CĐ hiện nay, phương pháp dạy học chính là một trong những rào cản lớn.
Đổi mới căn bản cách giảng dạy
GS.TSKH Vũ Ngọc Hải đặt ra vấn đề đổi mới căn bản giảng dạy cao đẳng ở Việt Nam, theo đó, cách giảng dạy cần chú trọng đến tư duy sáng tạo, năng lực nhận biết, luôn gợi mở làm sinh viên biết cách học, phải biến sự học thành sự nghiên cứu, tìm tòi phát hiệ những nội dung mới của bài giảng, phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách giảng truyền thống với các câu hỏi nghiên cứu thuộc nội dung bài giảng, tạo cho sinh viên cách học mới, học là tìm tòi, học là nghiên cứu. Như vậy, trước hết phải dạy cho sinh viên cách tư duy, học được cách làm chủ phương pháp học tập.
Theo GS.TSKH Vũ Ngọc Hải – dù đã có nhiều cố gắng lớn trong việc xích lại gần trường phổ thông, với sản xuất, nhưng trên thực tế, còn tồn tại nhiều tàn dư cách giảng cũ, kiểu trường “tháp ngà”. Người giảng viên không thật rõ thực tiễn và ngược lại các cơ sở thực tiễn cũng không hiểu nhà trường. Vì vậy, một khâu không thể thiếu được trong đổi mói cản bản về phương pháp giảng dạy hiện nay trong các trường CĐ chính là phải đưa đội ngũ giảng viên thâm nhập thường xuyên với các trường phổ thông, doanh nghiệp thông qua các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng, các liên doanh nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử... Chỉ có thế mới có thể làm gần hơn khoảng cách này.
Hiếu Nguyễn