“Thủ phủ” của phật thủ
Ông Tạ Văn Phúc, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở cho biết: Lúc đầu chỉ có một số hộ dân đầu tư trồng cây phật thủ. Qua quá trình thử nghiệm, thấy rõ đây là cây kinh tế, cho quả quanh năm, đặc biệt là dịp Tết, lại rất hợp với đất pha cát của địa phương, đem lại lợi nhuận cao, các hộ dân trong xã đã đua nhau trồng thành vườn. Hiện toàn xã, có hơn 500 hộ dân trồng phật thủ. Nhờ thế, nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở nên giàu có, thành tỉ phú.
Đắc Sở từ đó được mệnh danh là thủ phủ của cây phật thủ. Từ đê sông Đáy, càng gần Tết những dòng người tất tả ngược xuôi dồn về đây gom hàng. Những trái phật thủ từ đây đã có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc trong dịp Tết cổ truyền. Phật thủ có mặt trong bàn thờ cúng gia tiên, thờ Phật hay trang trí nhà cửa.
Chị Hường, nhà vườn phật thủ Biên Hường cho biết: Gia đình tôi trồng gần 10 mẫu phật thủ, cung ứng cho thị trường quả và cây phật thủ bonsai. Năm nay, thời tiết ổn định, không có tháng nhuận nên phật thủ được mùa, quả xanh chứ không vàng như năm ngoái. Cây phật thủ cho trái quanh năm, nhưng thu hoạch rộ nhất vào dịp Tết. Trước rằm tháng Chạp, người đến vườn mua chưa nhiều, cũng chỉ cắt loại quả giá bình dân, nhưng sau đó sẽ rất đông. Nhà vườn phải đóng hàng chuyển cho khách hàng khắp toàn quốc, có cả khách mang đi nước ngoài.
Càng gần Tết, các nhà vườn trong xã Đắc Sở càng đông khách. Chị Bùi Thanh Nhàn, nhà ở Mễ Trì Hạ (Hà Nội) cho biết, dịp Tết năm nào cũng đích thân vào tận vườn chọn mua những quả phật thủ ưng ý nhất mang về thờ Phật và gia tiên. Thậm chí, chị còn chọn mua một lượng không nhỏ để gửi vào Nam cho người thân và bạn bè. Chị Nhàn cho rằng ngày Tết, trên bàn thờ mà có quả phật thủ, nhìn rất thành kính và đẹp. Hơn nữa, loại quả này, nếu cắm vào lọ nước, quả được lau một lớp rượu quê, phần cuống sẽ ra rễ, để tươi được vài ba tháng.
“Giá phật thủ nhà vườn hiện dao động từ 30 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/quả, loại quả đẹp, giá có thể lên tới tiền triệu. Thậm chí, chúng tôi có khoảng 30 quả loại đặc biệt, to như nồi cơm điện, nhiều tầng tay, giá bán cho khách quen cắt tại vườn là 3 - 4 triệu đồng/quả. So với năm ngoái, nhà vườn trúng mùa bởi quả năm nay xanh chứ không vàng. Tính ra, mỗi năm gia đình thu được mấy tỉ đồng từ cây phật thủ”, chị Hường vui vẻ nói.
Có gan làm giàu
Ở Đắc Sở, hộ ít đất trồng phật thủ thì tính bằng sào, còn nhà nhiều thì tính bằng mẫu. Trừ chi phí chăm trồng, mỗi hộ thu về bình quân 400 – 600 triệu đồng/mẫu/năm. Thậm chí, rất nhiều hộ dân lãi cả tỉ đồng. Nhờ thế, đời sống của người dân Đắc Sở khấm khá hơn. Những ngôi biệt thự khang trang, nhà mới xây xuất hiện ngày càng nhiều. Nông dân Đắc Sở thực sự đổi đời từ loại cây trồng “hái ra tiền này”.
Ngoài cây phật thủ cho quả, nhiều nhà vườn ở Đắc Sở đã trồng cây phật thủ cảnh, được nhiều người mua về chơi Tết, đem lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ. “Đây là năm thứ hai chúng tôi đầu tư loại cây bonsai, với số lượng quả trên cây từ 1 - 9 quả, giá từ 700 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng/cây. Hiện cây 7 quả, 9 quả đã có khách đặt hết, chỉ còn các loại cây ít quả hơn, thuộc cây ghép ngửa, quả đẹp. Còn cũng cây ghép 9 quả nhưng quả úp, giá bán tại vườn là 1 triệu đồng/cây”, chị Hường chia sẻ thêm.
Là người dám bỏ công việc cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng để bám đất làng, trồng cây phật thủ bonsai, Tạ Tùy Duy từng bị người thân và bạn bè chê trách. Nhưng với quyết tâm, tự nghiên cứu tài liệu, ghép, trồng cây
bonsai, đến nay, Duy là một trong những “lão nông” rất thành công từ cây phật thủ. Trong quá trình làm, anh cố gắng tìm hiểu cách trồng cây bonsai để tạo ra cây cảnh đẹp, đáp ứng thị hiếu của người dân.
Tiêu chí quả phật thủ to hay đẹp, phải là quả bông ra ngửa, có nhiều móng, nhiều tầng móng, đặc biệt, nếu có số lượng móng lẻ, số đẹp càng quý hiếm. Chính vì thế, tại xã Đắc Sở, có quả phật thủ từng được bán với giá 10 triệu đồng.
Một mùa xuân nữa lại về. Người dân Đắc Sở lại trúng mùa phật thủ. Điều này chứng tỏ, ở đâu người dân biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dẫu có thất bại thì ắt có ngày thành công, thành tỉ phú ngay ở chính làng quê của mình.