Độc đáo hội đua ngựa gò Thì Thùng

GD&TĐ - Giữa gò đất bằng phẳng, những kỵ sĩ chân đất cưỡi trên lưng tuấn mã vốn là ngựa thồ, đua nhau phi nước đại trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng nghìn người xem. Đây là hội đua ngựa “độc nhất vô nhị”, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc miền Trung - Tây Nguyên.

Các kỵ sĩ cưỡi ngựa chào khán giả trước cuộc đua tài
Các kỵ sĩ cưỡi ngựa chào khán giả trước cuộc đua tài

Tưng bừng vó ngựa ngày xuân

Hàng năm, vào mùng 9 tháng Giêng ÂL, hàng nghìn người dân cùng du khách trong cả nước đổ về gò Thị Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) xem hội đua ngựa độc đáo tại đây. Không nhớ rõ môn đua ngựa ở đây có từ bao giờ, chỉ biết rằng những ngày mới giải phóng, vào ngày Tết, ở xã miền núi An Xuân này khá vắng vẻ nên thanh niên rủ nhau dắt ngựa ra gò Thì Thùng để đua.

Gò Thì Thùng bằng phẳng và rộng mênh mông, mọc đầy hoa sim tím. Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được khoác thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng. Những cô gái trong làng đến xem cũng hái những bó hoa rừng tặng cho người chiến thắng trong cuộc đua. Rồi thôn này thi với thôn kia, đến nay, hội đua ngựa đã lan rộng ra toàn tỉnh Phú Yên.

Năm nay, hội đua ngựa gò Thì Thùng có sự tham gia của 32 tuấn mã, trong đó có 28 tuấn mã đến từ 4 xã vùng cao của huyện Tuy An là An Xuân, An Hiệp, An Thọ, An Lĩnh và 4 tuấn mã đến từ huyện Đông Hòa. Mỗi đợt đua, có 4 tuấn mã ra trường đua. Sau đó, chọn ngựa về nhất để vào thi bán kết, rồi chung kết. Các kỵ sĩ chính là những nông dân chân lấm tay bùn. Kỵ sĩ trẻ nhất trong hội đua khoảng 20 tuổi và người lớn nhất đã trên 60 tuổi, có những kỵ sĩ thâm niên 30 - 40 năm đua ngựa.

Có điều khá lạ là kỵ mã tham gia cuộc đua là ngựa cái, chuyên thồ nông sản của người địa phương, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để... làm cảnh, không cho tham gia đua. Sau tiếng trống khai hội, cuộc đua bắt đầu. Tuy nhiên, khi xuất phát thì đủ, nhưng về sau cứ rớt dần, khi đến đích chỉ còn 1 - 2 ngựa. Có một số chú ngựa xé cả hàng rào người chạy theo tiếng hí của… bạn tình. Số khác chỉ có ngựa, còn người đã té ngã từ khi nào. Người và ngựa đều không chuyên nhưng không khí trường đua rất tưng bừng. Tiếng trống giục, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ đã làm cho cuộc đua tăng thêm sức nóng.

Ngựa phi nước đại trên đường đua
Ngựa phi nước đại trên đường đua 

Theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, phần thưởng cho người và ngựa về nhất là một khoản tiền nhỏ mang tính tượng trưng. Cái được lớn nhất là cả người thua, người thắng lẫn người đi cổ vũ đều cảm thấy thích thú, vui vẻ trong ngày xuân. 

Chuyện nuôi ngựa ở An Xuân

Đã nhiều năm nay, năm nào ông Võ Văn Chín (xã An Xuân) cũng tham gia hội đua ngựa gò Thì Thùng. Năm nay, ông tiếp tục là 1 trong 32 kỵ sĩ dù đã 63 tuổi. Theo ông Chín, nguyên tắc chung để chọn ngựa là “đùi nai, tai thỏ, đầu nhỏ, cổ thắt”. Thế nhưng, còn nhiều yếu tố khác như lý lịch dòng họ, quá trình tập tành “tu nghiệp” và sở trường tinh ý của người mua. Muốn thuần ngựa nhanh thì phải có tay nghề, có mạng “cầm” ngựa và nhất là phải gần gũi, chăm sóc thì mới “mã đáo thành công”.

“Nuôi ngựa nhàn hơn các gia súc khác. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi, loại cỏ có rất nhiều ở An Xuân, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần. Ngựa cũng rất ít bệnh tật. Bên cạnh việc chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho ngựa thì người chủ nuôi cần có kỹ năng huấn luyện để bảo đảm an toàn cho người và ngựa khi tham gia hội đua truyền thống hàng năm”, ông Chín cho biết.

Một góc gò Thì Thùng
Một góc gò Thì Thùng

Trước đây, khi đường giao thông gập ghềnh, ngựa là phương tiện quan trọng để giúp người dân xã An Xuân di chuyển, thồ hàng hóa, nông sản. Bây giờ, đường sá đã thông thương, thuận tiện, vì thế bóng dáng ngựa thồ cũng dần thưa vắng. Dù không còn được xem là phương tiện chính trong sản xuất và đời sống nhưng con ngựa vẫn gắn bó với nhiều người dân ở xã An Xuân. Với người dân nơi đây, nuôi ngựa không chỉ phục vụ cho sản xuất mà còn để tham gia hội đua ngựa gò Thì Thùng hàng năm.

Bây giờ, ngang qua vùng Tuy An, vẫn vang lời mẹ ru: Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/ Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/ Cô về chẳng lẽ về không/ Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/ Ngựa ô đi tới Quán Cau/ Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều. Địa danh Quán Cau bây giờ đặt cho con đèo trên tuyến đường Bắc Nam, nhìn xuống thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan. Gò Điều giờ thuộc xã An Hòa. Dọc dài vùng bán sơn địa này, người dân vẫn còn nuôi, kinh doanh và sử dụng ngựa thồ. Không tấp nập giữa thời cơ khí nhưng ngựa thồ vẫn lặng lẽ cùng người dân quê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.